SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 25/04/2024
  • Click để copy

Nhựa Việt Nam thoái vốn để có tiền trả cổ tức

09:11, 04/08/2012
Khoản thoái vốn trị giá 43 tỷ đồng sẽ được gửi ngân hàng, tiền lãi phát sinh là một trong những nguồn để công ty trả cổ tức.

Lãi ít, không chia cổ tức, lại tổ chức đại hội cổ đông tại khách sạn 5 sao ở TP HCM, Công ty cổ phần nhựa Việt Nam (Vinaplast) mới đây khiến cổ đông thêm bức xúc.

Tuy nhiên, khác với những năm trước, phần trả lời chất vấn của ban lãnh đạo kèm theo lời hứa sẽ trả cổ tức 5% năm tại đại hội năm nay đã xoa dịu phần nào những chất chứa trong lòng cổ đông.

Tại đại hội, sau những phản ứng về kết quả hoạt động không tương xứng với tiềm năng trong suốt 4 năm sau cổ phần hóa, nhiều cổ đông lên tiếng đề nghị cơ quan chủ quản (Bộ Công thương) xem xét lại các hoạt động của ban điều hành Vinaplast, nhằm điều chỉnh kịp thời, giúp bảo toàn vốn nhà nước đang chi phối tại công ty (chiếm 66% - theo lời của cổ đông). Có nhóm cổ đông kiến nghị, Bộ Công thương cần mời đơn vị kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán toàn bộ kết quả hoạt động của Vinaplast, đồng thời đánh giá lại cán bộ khi Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinaplast sắp nghỉ hưu.

Trước áp lực của cổ đông, Vinaplast đã lên kế hoạch trả cổ tức với tỷ lệ 5% vốn điều lệ. Với vốn điều lệ 198 tỷ đồng, khoản tiền mà công ty cần phải có để trả cổ tức là 9,9 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Khắc Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cho biết, công ty đang tiến hành thoái một phần vốn tại công ty thành viên là Youlchon Vina. Khoản thoái vốn này trị giá 43 tỷ đồng (2,7 triệu USD) sẽ được gửi ngân hàng, tiền lãi trong những tháng cuối năm là một trong những nguồn để công ty chi trả cổ tức. 

“Đối tác mua phần vốn tại Youlchon Vina đã cam kết chuyển tiền mua cổ phần cho công ty không quá 2 lần và thời gian thanh toán không quá 3 tháng. Đây là cơ sở để xác định thời gian chia cổ tức trong tháng 9”, ông Long nói.

Cổ đông cũng bày tỏ nghi ngại về việc thực hiện kế hoạch kinh doanh khi năm nay, công ty không còn sở hữu tòa nhà số 92-94 Lý Tự Trọng (TP HCM); phải thanh toán cả lãi và gốc cho khoản vay từ nguồn vốn ODA, ước khoảng 20 tỷ đồng một năm; không còn khoản thu từ văn phòng phía Bắc cho thuê (vì đã thu tiền trước 10 năm).

Giải tỏa bớt nghi ngại này, ông Long cho hay, với nguồn vốn vay ODA (49 triệu nhân dân tệ), công ty đang làm thủ tục chuyển tiền vay từ nhân dân tệ sang đồng USD, để hạn chế rủi ro, nhưng phải chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và Bộ Tài chính. Nguồn vốn này đã được trích chênh lệch tỷ giá hơn 7 tỷ đồng.

Về tòa nhà số 92-94 Lý Tự Trọng, chủ tọa đại hội cho hay, tòa nhà này ban đầu do Vinaplast thuê sử dụng, sau đó tham gia đấu giá và mua lại hoàn toàn bằng vốn vay ngân hàng, với giá xấp xỉ 35 tỷ đồng. Lãi suất của khoản vay này là 13% một năm, nhưng khi lãi vay tăng lên 17% một năm, thì công ty không đảm bảo khả năng trả nợ. Do vậy, Vinaplast đã có văn bản gửi Bộ Công thương và thuê công ty tư vấn tiến hành các thủ tục bán tòa nhà.

Thực tế, Vinaplast đã bán tòa nhà, thu được 60 tỷ đồng, sau khi trả gốc và lãi vay, cũng như trừ đi các khoản thuế, Vinaplast còn hơn 10 tỷ đồng. Số tiền này, công ty đã dùng để chia cổ tức năm 2010 cho cổ đông.

 

Tin khác

Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Số liệu vừa được Metric - nền tảng số liệu về thương mại điện tử, công bố cho thấy, doanh số bán lẻ trên 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam: Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop đã cán mốc 71,2 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 78,69% so với quý 1/2023.
Kinh tế 2 ngày trước
(SHTT) - Sau hơn 5 năm triển khai Chương trình OCOP, tỉnh Thanh Hóa đã có 479 sản phẩm OCOP. Thành quả đó đã thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn phát triển.
Kinh tế 2 ngày trước
(SHTT) - Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị 12 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó Thủ tướng yêu cầu tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Kinh tế 3 ngày trước
(SHTT) - Theo The New York Times, Trung Quốc đã lắp đặt nhiều robot nhà máy, có thể sản xuất được mọi thứ trên đời với giá siêu rẻ.
Kinh tế 4 ngày trước
(SHTT) - Lần đầu tiên Gạo Việt Nam đánh bật gạo Thái và Ấn Độ trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất vào Singapore, chiếm hơn 32% thị phần.