SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 29/03/2024
  • Click để copy

Nhiều bất cập trong quản lý nhà nước về ATTP

06:45, 11/09/2018
(SHTT) - Đây là vấn đề được nêu ra tại Hội thảo khoa học “Những vấn đề đặt ra hiện nay đối với công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên” diễn ra ngày 07/9/2018 tại Thành phố Thái Nguyên.

Hội thảo được tổ chức dưới sự chủ trì của Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật và Chi cục ATVSTP tỉnh Thái Nguyên trong khuôn khổ thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội năm 2018 với chủ đề “Những vấn đề đặt ra hiên nay đối với công tác an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên”.

Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến công tác ATTP trên địa bàn tỉnh; nhiều nhà khoa học, chuyên gia về lĩnh vực ATTP đến từ Hội y học lao động tỉnh Thái Nguyên, Trường Đại học Y – Dược, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên; đại diện một số cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm trên địa bàn tỉnh và một số cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh.

20180907_110100

 TS. Nguyễn Văn Vy – Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh phát biểu khai mạc Hội thảo

Tại phát biểu đề dẫn hội thảo, TS. Nguyễn Văn Vy – Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh cho rằng công tác đảm bảo ATTP trên phạm vi toàn quốc hiện nay có nhiều bất cập, cụ thể:

Thứ nhất, về đầu mối quản lý, việc tổ chức thực hiện bảo đảm ATTP còn nhiều hạn chế. Ở cấp quốc gia, công tác quản lý ATTP hiện có 3 Bộ cùng được giao, đó là: Bộ Y tế, Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Ở các địa phương cũng do 3 Sở đảm nhận. Tình trạng phân tán về quản lý do Luật ATTP quy định cần được xem xét sửa đổi để tập trung nguồn lực cho hoạt động này.

Tại một số địa phương, Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP vẫn còn tình trạng hoạt động chưa hiệu quả. Một bộ phận cán bộ, công chức thi hành công vụ nhận thức chưa đầy đủ về trách nhiệm quản lý ATTP. Lực lượng kiểm tra còn hạn chế về số lượng và chất lượng, thiếu nhiều trang thiết bị kỹ thuật, các phòng kiểm nghiệm chưa phát triển phương pháp kiểm nghiệm theo kịp nhu cầu. Công tác kiểm soát các phòng kiểm nghiệm thiếu chặt chẽ, cùng một mẫu sản phẩm có thể cho kết quả khác nhau ở các phòng kiểm nghiệm khác nhau, còn có tình trạng độc quyền kiểm nghiệm. Công tác quản lý hoạt động quảng cáo, tiếp thị sản phẩm bị buông lỏng. Chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe, ngăn ngừa vi phạm. Việc xử lý vi phạm chưa nghiêm minh, chưa chú ý xử lý trách nhiệm của cán bộ, công chức để xảy ra vi phạm. Nhiều vấn đề nổi cộm chưa được quan tâm xử lý dứt điểm như vấn đề sử dụng sabutamon, vàng ô, khánh sinh, thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục, quản lý tại các chợ.

Thứ hai, việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là thông tư còn chậm. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) về ATTP còn  phức tạp, chồng chéo và còn nhiều bất cập. Thiếu sự phối hợp trong việc văn bản hướng dẫn Luật giữa các cơ quan quản lý nhà nước, văn bản của bộ nào do bộ đó xây dựng riêng. Việc thẩm định văn bản chủ yếu về mặt trình tự pháp lý mà chưa chú ý đến nội dung chuyên ngành, liên ngành. Hệ quả là các cơ quan thực thi thường dựa vào văn bản nào có lợi cho mình nhất để áp dụng. Doanh nghiệp chịu sự kiểm soát của nhiều cơ quan, ít nhất là 5 cơ quan thuộc 3 bộ/sở. Vì vậy, doanh nghiệp hoạt động mà không biết như thế nào là đúng luật. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu quy chuẩn kỹ thuật về bảo đảm ATTP trong các khâu sản xuất ban đầu như trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đến khâu bảo quản, sơ chế, chế biến đặc biệt tại cơ sở giết mổ, sơ chế nội tạng, cơ sở chế biến mỡ động vật rất mất vệ sinh …

Thứ ba, công tác truyền thông về thực phẩm an toàn và không an toàn còn hạn chế. Chưa có hình thức phát huy sức mạnh thông tin, tuyên truyền của các tổ chức xã hội, hội quần chúng (như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, …) nên chưa sâu sát đến các hội viên, cá nhân, các hộ sản xuất kinh doanh … Tuyên truyền nặng về nội dung tiêu cực, chưa có nhiều thông tin về thực phẩm an toàn dẫn tới tâm lý lo lắng, hoang mang trong nhân dân, thậm chí làm ảnh hưởng đến xuất khẩu và chưa kết nối được thực phẩm an toàn với người tiêu dùng; chưa có nhiều hỗ trợ cho người tiêu dùng phân biệt đâu là thực phẩm an toàn, không an toàn; chưa tạo được động lực khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.

Thứ tư, chưa phát huy được vai trò của các tổ chức xã hội, công luận và người dân tham gia giám sát bảo đảm ATTP và đấu tranh với các hành vi vi phạm, nhất là tại cơ sở. Nhìn chung các hội nghề nghiệp, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp còn thiếu các điều kiện để tham gia vào công tác bảo đảm ATTP, chưa thực hiện tốt các hoạt động nghề nghiệp, trong đó có chức năng giám sát và phản biện xã hội.

ca1cf94b7404945acd15

 Ông Lý Văn Cảnh – Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh Thái Nguyên trình bày tham luận Hội thảo.

Phát biểu tham luận Hội thảo, ông Lý Văn Cảnh – Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh Thái Nguyên cho rằng, tại cấp cơ sở (cấp xã), công tác chỉ đạo về ATTP chưa thực sự được coi trọng, công tác thanh tra, kiểm tra chưa hiệu lực, hiệu quả; quản lý dịch vụ thức ăn đường phố còn gặp nhiều khó khăn; người tiêu dùng còn dễ dãi đối với thực phẩm không rõ nguồn gốc, ưa thực phẩm giá rẻ; kiểm soát ATTP còn nhiều khó khăn; các phương tiện hỗ trợ xác minh vi phạm còn thiếu, lạc hậu; công tác hậu kiểm còn hạn chế do lực lượng mỏng.

Ông Cảnh cũng cho rằng, về mặt quản lý nhà nước, cần thành lập một lực lượng quản lý chuyên ngành ATVSTP đủ quyền lực để giải quyết đến mức cao nhất những vi phạm về ATVSTP; nâng cao chế tài xử phạt với những người, những cơ sở vi phạm cố ý và tái phạm, kết hợp tịch thu tài sản, phương tiện vi phạm.

20180907_110252

 PGS.TS. Nguyễn Duy Lương – Giảng viên trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên.

Ở phương diện khách mời là nhà khoa học, PGS.TS. Nguyễn Duy Lương – Giảng viên trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên đặt vấn đề: “Chúng ta cần nhìn nhận sâu hơn về nguyên nhân xã hội của việc mất VSATTP và ngộ độc xảy ra thời gian vừa qua. Về phía người tiêu dùng, họ phải được trang bị kiến thức tối thiểu về VSATTP, không nên tham rẻ, không tin tuyệt đối vào quảng cáo, phải chủ động suy xét, mua hàng ở các cơ sở có uy tín, hàng có chất lượng, dùng đúng hướng dẫn sử dụng, không quá chú trọng vào hình thức và không quá tin vào lời truyền miệng, rỉ tai về một sản phẩm nào đó mà phải tự kiểm chứng”.

Ngoài ra, các tham luận của đại diện Chi cục Quản lý thị trường, Sở Y tế, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cũng nêu lên những hạn chế, khó khăn, vưỡng mắc trong quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nói riêng.

Trên cơ sở đánh giá thực trạng vấn đề ATTP trên địa bàn tỉnh, Ban tổ chức Hội thảo sẽ tổng kết, khuyến nghị với UBND tỉnh Thái Nguyên về một số giải pháp cụ thể đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Nguyễn Tiến Chung

Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện Cẩm Thuỷ

Tin khác

Tin tức 12 giờ trước
Hàng trăm doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực dệt may, vật liệu xây dựng, thiết bị gia dụng, điện tử tiêu dùng, máy móc,.. của Trung Quốc đến Việt Nam tìm kiếm khách hàng tiềm năng.
Tin tức 13 giờ trước
(SHTT) - Ngày 28/3, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 93/KH-UBND về việc tuyển sinh vào 10 trung học phổ thông năm học 2024-2025.
Tin tức 14 giờ trước
(SHTT) - Huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đạt chuẩn NTM năm 2021. Phát huy kết quả đạt được, huyện tiếp tục xây dựng NTM nâng cao, đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Tin tức 14 giờ trước
(SHTT) - Trong 3 ngày 28, 29, 30/3, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị Sở hữu trí tuệ 2024 và các sự kiện bên lề.
Tin tức 16 giờ trước
(SHTT) - Theo hướng dẫn từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, thí sinh đang học lớp 12 sẽ thực hiện đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024 từ ngày 2/5-10/5 theo hình thức trực tuyến. Trước đó, thí sinh sẽ được đăng ký thử từ ngày 24/4-28/4.