SO HUU TRI TUE
Thứ ba, 26/03/2024
  • Click để copy

Ngăn chặn dịch sốt xuất huyết: Không cách nào khác ngoài diệt muỗi, bọ gậy

06:35, 14/08/2017
Tại cuộc họp giữa Bộ Y tế với ngành y tế Hà Nội và một số BV tuyến Trung ương trên địa bàn Hà Nội, TS. Nguyễn Văn Kính, GĐ BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho rằng: “Ngành y tế làm nhiều nhưng hiệu quả chưa đạt vì cộng đồng không tham gia phòng dịch, chỉ y tế căng mình không đủ...”.

Dịch hoành hành, cộng đồng vẫn thờ ơ!

Bộ trưởng Bộ Y tế đã đặt ra câu hỏi chung cho lãnh đạo các BV tuyến Trung ương và Sở Y tế Hà Nội: Vì sao số ca mắc SXH ở Hà Nội nhiều mặc dù vẫn quyết liệt triển khai các biện pháp? Sao vẫn để tình trạng quá tải, bệnh nhân phải nằm ghép? Các đơn vị có đề xuất, kiến nghị gì để giảm số mắc và khống chế tối đa số ca mắc, tử vong?.

Báo cáo về tình trạng quá tải tại BV tuyến Trung ương-cụ thể là BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết: Cục đã có nhiều văn bản chỉ đạo, dịch tễ học lâm sàng để giảm tải BV. Đến ngày 21-7 chỉ có 798/944 ca ở BV Nhiệt đới, trong đó bệnh nhân Hà Nội chiếm hơn 80%. Nhưng từ ngày 21-7 đến 10-8 chỉ trong vòng 10 ngày mà số bệnh nhân vào BV Nhiệt đới đã tăng. Đến nay, tổng số bệnh nhân điều trị nội trú là 2.027 trường hợp thì có 1.761 bệnh nhân sống trên địa bàn Hà Nội chiếm chiếm 87%.

“Tổng số nhập viện 70-80 ca/700-800 bệnh nhân, chiếm 10% tổng số ca khám bệnh. Mỗi ngày có gần 1.000 người SXH đến khám tại BV,  BV đã lọc trên 900 bệnh nhân và chuyển viện nhưng số đến khám tăng nhiều trong 20 ngày chứng tỏ cộng đồng đến khám đông, BV lọc bệnh cũng kỹ”, TS. Khuê nhấn mạnh.

TS Nguyễn Văn Kính, GĐ BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương lý giải thêm, năm 2013 Tổ chức Y tế thế giới đã phân chia theo các giai đoạn SXH thường, có dấu hiệu cảnh báo và sốc. Tất cả bệnh nhân đến khám dựa đều được phân loại dựa trên 3 mức độ này… Bệnh nhân ở vụ dịch lần này đa phần tổn thương gan, men gan tăng nhiều lần khiến mệt rũ. Nếu bình thường chỉ sốt thì chỉ cần ở nhà uống paracetamol là hạ.

BV chỉ tiến hành khám, lọc bệnh là chính xong chuyển tuyến dưới. Cơ sở 2 của BV đang triển khai 250 giường, xây dựng BV dã chiến để tránh lây nhiễm cho bệnh nhân. Còn cơ sở 1 tạo điều kiện tốt nhất cho bệnh nhân được khám, chăm sóc. Nhân lực của BV quá hạn hẹp phải phân chia đi 2 cơ sở, trong khi đó sinh viên trường y đang nghỉ hè nên không huy động được, BV phải gọi bác sỹ đi chuyển giao kỹ thuật ở tuyến cơ sở về.

TS. Kính bày tỏ lo ngại dịch bệnh sẽ gia tăng khi chỉ vài tuần nữa sinh viên nhập học. “Ngành y tế làm nhiều, hiệu quả chưa đạt vì cộng đồng không tham gia phòng dịch, chỉ y tế căng mình không đủ, cộng đồng hiện vẫn thờ ơ”.

Lý giải nguyên nhân vì sao đã dùng nhiều biện pháp nhưng số ca mắc SXH vẫn tăng, ông Hoàng Đức Hạnh, PGĐ Sở Y tế Hà Nội cho biết: Đến nay toàn TP đã ghi nhận 13.982 mắc, 7 ca tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 30 quận huyện, 532/584 xã, phường, thị trấn (chiếm 91% số xã, phường). Hiện còn 366 phường (chiếm 63% tổng số xã phường) ghi nhận bệnh nhân mắc chưa qua 14 ngày; số mắc tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm 2016 do dịch đến sớm hơn 3 tháng. Nguyên nhân có cả yếu tố khách quan và chủ quan. Yếu tố khách quan thời tiết, môi trường, di dân di cư, mật độ dân số đông.

“Yếu tố chủ quan là diệt muỗi, diệt bọ gậy dựa vào cộng đồng chưa triệt để, khi xuống hộ dân không hợp tác. Số nhà làm triệt để khoanh vùng chưa toàn diện, có 300 hộ thì không được 200 hộ tham gia; các khu xen kẹt cũng không quản lý được hết. Tôi cho rằng khó khăn do không diệt bọ gậy triệt để”, ông Hoàng Đức Hạnh nêu rõ.

Ông Nguyễn Khắc Hiền, GĐ Sở Y tế Hà Nội cho biết, nguyên nhân khiến số bệnh nhân đi khám quá đông vì tâm lý, cứ sốt là đi khám. Bên cạnh đó, bệnh nhân của Hà Nội chủ yếu ở các quận nội thành nên đến BV Trung ương và trung tâm để khám. Bệnh nhân đến khám chủ yếu tập trung ở các BV gồm Xanh-Pôn, Hà Đông, Thanh Nhàn, Đống Đa...

a-hanh-bb-baaadoKBKD

 Ông Hoàng Đức Hạnh, PGĐ Sở Y tế Hà Nội: Làm triệt để việc diệt bọ gậy và phun hoá chất sẽ khống chế được dịch SXH. Ảnh: V.H

Tăng cường phun hóa chất đến từng hộ gia đình

Ông Hoàng Đức Hạnh đưa ra giải pháp mà Hà Nội đã và đang triển khai, trong đó tập trung nhiều nhất vào diệt bọ gậy, diệt muỗi. Hà Nội làm theo đoàn thể thanh niên, tổ dân phố mang tính chất phong trào. TP đã thành lập đội xung kích diệt bọ gậy, mỗi đội 2-3 người, tiêu chuẩn là người có sức khoẻ, có trách nhiệm, thông thạo địa hình.

“Đây là vũ khí quan trọng để diệt bọ gậy. Đến nay đã có 25 quận, huyện và 203 xã phường thành lập đội xung kích diệt bọ gậy. Cán bộ y tế, lãnh đạo thôn có trách nhiệm giám sát, kiểm tra đội xung kích... Tình hình thời tiết mưa khó tiên lượng, nếu làm triệt để đầy đủ 2 biện pháp gồm đội diệt bọ gậy và xe phun hoá chất thì sẽ khống chế được dịch. Cần sự vào cuộc quyết liệt, triệt để của chính quyền các cấp và cộng đồng”, ông Hạnh khẳng định.Để giảm tải cho các BV, ông Nguyễn Khắc Hiền cho biết, Sở Y tế đã yêu cầu BV Thanh Nhàn tách số bệnh nhân theo yêu cầu phân loại 3 mức độ. Phân loại không phải điều trị nội trú thì chuyển về địa bàn và yêu cầu bác sỹ đến theo dõi, điều trị để bệnh nhân yên tâm. Đồng thời, Hà Nội đã thống kê các cơ sở y tế có khả năng tiếp nhận như trạm y tế, phòng khám đa khoa, phòng khám tư nhân.

Phát biểu kết cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng: Bệnh nhân tăng vì Hà Nội mưa liên tục, nắng nóng. Khí hậu ấy muỗi phát triển bệnh lây truyền thì chỉ còn cách tránh muỗi đốt, diệt muỗi. Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là tránh muỗi đốt, bôi thuốc chống muỗi, dùng bình xịt, hương trừ muỗi; cơ bản là diệt bọ gậy, lật úp hết dụng cụ chứa nước xuống, nước sạch cũng phải thay để diệt ổ bọ gậy trong nhà.

Bộ trưởng lưu ý, nếu người dân bị bệnh rồi thì đến cơ sở khám chữa bệnh gần nhất và thực hiện theo hướng dẫn của cán bộ y tế, chỉ nhập viện khi cần thiết. Vẫn nhắc đến bài học về vụ sởi năm 2014, Bộ trưởng nhấn mạnh: Người dân không nên đổ xô đến chỗ đông vì dễ lây nhiễm chéo khiến bệnh nhẹ thành nặng. Hiện đang có bệnh tay chân miệng, viêm màng não các bệnh hô hấp nên dễ lây nhiễm chéo.

Với tình hình dịch bệnh ở thời điểm này, Bộ trưởng Tiến cho rằng biện pháp cấp bách là phun hạ hỏa trong nhà, tập trung ở BV, trường học, lán chợ khu dân cư phun đeo vai trong nhà từ sân vườn, cửa đến tận từng nhà. Ngành y tế Hà Nội cần có bản đồ phun và phun đầy đủ theo bản đồ đó để đảm bảo phun hóa chất đến tận từng hộ gia đình.

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 80.555 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 24 trường hợp tử vong. Trong đó số trường hợp nhập viện là 69.085 trường hợp. So với cùng kỳ năm 2016 (51.742/17) số mắc tăng 33,5%, số tử vong tăng 7 trường hợp.

Theo Pháp Luật & Xã Hội

Tin khác

Đời sống sáng tạo 6 giờ trước
Trên thực tế, nguy cơ mắc các bệnh hiểm nghèo có thể xảy ra bất cứ giai đoạn nào. Ngay cả khi cơ thể của bạn còn trẻ và khỏe mạnh. Do đó, ngay từ bây giờ hãy chuẩn bị cho mình và người thân một biện pháp đảm bảo tài chính trong tương lai, cụ thể là tham gia bảo hiểm bệnh hiểm nghèo.
Khoa học Công nghệ 7 giờ trước
(SHTT) - Mustafa Suleyman, người đồng sáng lập DeepMind của Google, cùng với Giám đốc điều hành của Microsoft, Satya Nadella, sẽ giám sát một loạt dự án, đáng chú ý là dự án tích hợp AI Copilot vào Windows.
Khoa học Công nghệ 1 ngày trước
(SHTT) - TS.BS Nguyễn Thị Phương Thảo thuộc Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ Gen Vinmec đã được bầu vào Viện Hàn lâm Khoa học trẻ toàn cầu nhờ vào những cống hiến và sức ảnh hưởng trong lĩnh vực nghiên cứu.
Khoa học Công nghệ 3 ngày trước
(SHTT) - Bộ Khoa học và Công nghệ mới đây đã ban hành Quyết định 405/QĐ-BKHCN công bố thủ tục hành chính mới ban hành thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Khoa học Công nghệ 3 ngày trước
(SHTT) - Cuộc thi Sáng tạo Robot châu Á - Thái Bình Dương (ABU Robocon) năm nay sẽ được tổ chức tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh từ ngày 23/8 đến 27/8/2024. Chủ đề thi của ABU Robocon 2024 mang tên "Ngày mùa", lấy ý tưởng từ việc canh tác lúa trên các thửa ruộng bậc thang.