SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 25/04/2024
  • Click để copy

Lương tối thiểu chưa đảm bảo mức sống tối thiểu

11:00, 18/09/2017
" Qua khảo sát chỉ 16% người lao động có tích lũy, mà cũng chỉ được 1 triệu hoặc hơn 1 triệu đồng/tháng, còn đa số là sống tằn tiện và cực khổ, thậm chí 2% công nhân lương không đủ sống”, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam nói.

Lương tăng nhanh không đi kèm năng suất lao động

Ngày 13/9, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản Jica đã tổ chức hội thảo “Tiền lương và năng suất lao động”.

Ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, thay mặt nhóm nghiên cứu cho biết, Việt Nam đã tăng lương tối thiểu tương đối nhanh trong những năm qua. Lương tối thiểu tăng ở mức trung bình hàng năm đạt hai con số trong giai đoạn 2007-2015, vượt xa tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người và chỉ số giá tiêu dùng.

Đáng nói, ông Thành cho rằng, tốc độ tăng lương tối thiểu cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động. “Xu hướng này không giống như các quốc gia khác như Trung Quốc, Indonesia hay Thái Lan. Khoảng cách giữa tăng trưởng lương tối thiểu và tăng trưởng năng suất lao động ở Việt Nam đã dãn rộng nhanh hơn so với các quốc gia khác”, ông Thành nói.

Nhóm nghiên cứu cho rằng, tăng lương tối thiểu dẫn đến tăng lương trung bình, giảm việc làm và giảm lợi nhuận. Trung bình, lương tối thiểu tăng 1% có thể khiến lương trung bình tăng 0,32% và lao động giảm 0,13%. Ngoài ra, khi lương tối thiểu tăng 100%, tỷ lệ lợi nhuận (đo bằng lợi nhuận trên doanh thu) sẽ giảm 2,3 điểm phần trăm – kết quả nghiên cứu cho biết.

“Trong khu vực tư nhân, các DN có mức tuân thủ chế độ lao động cao hơn sẽ cắt giảm việc làm nhiều hơn. Về lợi nhuận, khu vực tư nhân chịu những tác động tiêu cực đáng kể từ tăng lương tối thiểu. Chính sách điều chỉnh tiền lương tối thiểu nhanh và liên tục, có thể làm giảm tốc độ tích lũy tư bản của khu vực DN tư nhân, khiến khu vực này tăng trưởng chậm lại”, kết quả nghiên cứu nêu.

TS Nguyễn Tiến Dũng, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách cho biết thêm, qua khảo sát, có hơn 60% lao động làm công ăn lương không có hợp đồng, nhóm này có nguy cơ nhận mức lương thấp hơn lương tối thiểu. Lao động trẻ tuổi, hoặc lớn tuổi, có trình độ học vấn tương đối thấp cũng là những người có khả năng cao bị trả dưới mức lương tối thiểu. “Hệ thống lương tối thiểu hiện nay dường như không bao hàm đầy đủ các nhóm yếu thế và dễ bị tổn thương trong xã hội, cho thấy việc áp dụng lương tối thiểu như một chính sách bảo trợ xã hội có thể không phát huy hiệu quả”, nhóm nghiên cứu nhận định. TS Kenichi Ohno, Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản, thành viên nhóm nghiên cứu cũng cho rằng, không nên xem lương tối thiểu là chính sách bảo trợ xã hội.

Bình luận về kết quả nghiên cứu, PGS.TS Hồ Đình Bảo, trường ĐH Kinh tế quốc dân nhìn nhận, báo cáo tiếp cận dưới góc nhìn của DN nhiều hơn so với góc nhìn của người lao động và cơ quan hoạch định chính sách. Theo ông Bảo, việc đánh giá tác động của tiền lương tối thiểu giữa khu vực chính thức và khu vực phi chính thức còn tương đối rời rạc, cô lập. Trong khi đó, việc thay đổi lương tối thiểu ở khu vực này sẽ có hiệu ứng ảnh hưởng đến việc làm tại khu vực khác như thế nào chưa thật sự rõ nét. PGS.TS Hồ Đình Bảo cho rằng, kết luận lương tối thiểu chưa phải là chính sách bảo trợ xã hội cần cân nhắc, vì lương tối thiểu tăng không chỉ làm tăng lương trung bình trong khu vực chính thức, mà còn tăng lương trung bình trong khu vực phi chính thức.

TS Võ Chí Thành cũng cho rằng, các kết luận hàm ý chính sách từ kết quả nghiên cứu cần thận trọng. Lương tối thiểu và mức tăng lương tối thiểu là khác nhau, vậy “thất bại” ở đây là cách tăng lương tối thiểu hay lương tối thiểu? Cho rằng, phạm vi nghiên cứu còn khá hẹp, ông Thành góp ý cần phải đánh giá phản ứng của người lao động để có kết luận khách quan.

Còn theo ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, báo cáo nêu tốc độ tăng lương tối thiểu nhiều hơn so với năng suất lao động. Vậy đây là năng suất lao động nào? Bởi theo Trung tâm năng suất quốc gia thì 4,4% là năng suất lao động xã hội, nên đánh giá lương tối thiểu trong khu vực công nghiệp để so với năng suất lao động xã hội là chưa phù hợp.

Ông Chính cũng cho hay, hiện, trong các DN đang có hai bảng lương, lương tối thiểu và lương thực hưởng. Trong khi Điều 91 Bộ luật Lao động quy định lương tối thiểu phải đảm bảo nhu cầu mức sống tối thiểu nhưng khảo sát của Hội đồng tiền lương, Tổng liên đoàn, Tổng cục Thống kê cho thấy lương tối thiểu vẫn chưa đảm bảo được mức sống tối thiểu.

nh-1-ong-mai-duc-chinh-cho-rang-luong-toi-thieu-chua-dam-bao-muc-song-toi-thieu-bb-baaacNdnR6

 Ông Mai Đức Chính cho rằng lương tối thiểu chưa đảm bảo mức sống tối thiểu. ẢNH: P.THẢO

Tính lương tối thiểu theo ngày và theo giờ

Theo ông Chính, dù gần 70% lực lượng lao động không chịu tác động của lương tối thiểu nhưng lương tối thiểu tăng họ cũng có những thuận lợi, cũng có tác động đến mặt bằng chung, lương của họ cũng được tăng, dù tốc độ có thể không bằng. “Nếu nói lương tối thiểu tăng cao quá thì phải xem công nhân sống như thế nào. Qua khảo sát chỉ 16% người lao động có tích lũy, mà cũng chỉ được 1 triệu hoặc hơn 1 triệu đồng/tháng, còn đa số là sống tằn tiện và cực khổ, thậm chí 2% công nhân lương không đủ sống”, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam dẫn chứng.

Đại diện Bộ LĐ-TB&XH lại nhìn nhận, vai trò của lương tối thiểu không lớn đến mức như chúng ta tưởng. Công ước ILO và hầu hết các nước hiện nay, nhất là các nước tham gia Công ước quốc tế, đều quy định lương tối thiểu là để bảo vệ người lao động yếu thế trong nền kinh tế thị trường.

Việc không quy định cụ thể mức lương tối thiểu theo ngày và theo giờ khiến việc giám sát vấn đề tuân thủ mức lương tối thiểu trở nên khó khăn, đặc biệt đối với người lao động bán thời gian. Vì vậy, cần xác định lương tối thiểu theo tháng, ngày và giờ nhằm giúp những người làm việc theo giờ hoặc theo ngày công có thể hưởng đầy đủ các quyền lợi của họ, đồng thời cho phép các nhà tuyển dụng linh hoạt hơn trong việc sử dụng lao động.

Bộ luật Lao động quy định lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên nhu cầu cơ bản của người lao động và gia đình họ, điều kiện kinh tế xã hội, tiền lương trên thị trường lao động và khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia. Tuy nhiên, làm thế nào để đo lường nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, cũng như việc xác định các tiêu chí quan trọng nhất vẫn còn nhiều tranh cãi. Vì vậy, ngoài sự tham gia của ba bên trong Hội đồng tiền lương quốc gia như hiện hành, nhóm nghiên cứu đề xuất nên có thêm sự tham gia của các chuyên gia, có chuyên môn sâu về kinh tế vĩ mô và kinh tế lao động, có khả năng đánh tác động của mức lương tối thiểu đối với việc làm, thu nhập trước/sau khi điều chỉnh lương tối thiểu.

Theo Pháp Luật Xã Hội

Tin khác

Tin tức 6 giờ trước
(SHTT) - Chiều ngày 24/4, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành văn bản yêu cầu UBND huyện Thanh Trì và Công an Thành phố vào cuộc kiểm tra, xử lý thông tin báo chí phản ánh việc hành hung nhà báo tác nghiệp tại huyện Thanh Trì.
Tin tức 8 giờ trước
Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn khó đáp ứng được những tiêu chí khắt khe trong khi nhóm 3 đối tượng vay vốn từ nguồn Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa lại đứng trước cơ hội nắm được “phao” vốn khơi thông điểm nghẽn nguồn lực.
Tin tức 8 giờ trước
Hội Nữ trí thức Việt Nam – Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Khởi nghiệp phối hợp trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng - khai mạc lớp tập huấn về “Sở hữu trí tuệ, phương thức thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và đàm phán hợp đồng chuyển giao khoa học công nghệ thành công".
Tin tức 10 giờ trước
(SHTT) - Ngày 24/4/2024, trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 2 năm thành lập và Diễn đàn thường niên “Blockchain và AI: Cuộc cách mạng tương lai”, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học lần thứ 4 nhằm góp ý xây dựng hoàn thiện khung pháp lý VA-VASP.
Tin tức 14 giờ trước
(SHTT) - Sáng ngày 24/4, Triển lãm Quốc tế lần thứ 6 về Công nghiệp Khai thác, Khôi phục Tài nguyên Khoáng sản và Xây dựng Việt Nam - Mining Vietnam 2024 đã chính thức được khai mạc tại Hà Nội.