SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 28/03/2024
  • Click để copy

Johnson&Johnson và bê bối 1.200 vụ kiện vì phấn rôm gây ung thư

07:02, 10/04/2018
(SHTT) – Một người đàn ông tên Stephen Lanzo vừa thắng kiện 40 triệu USD từ hãng Johnson&Johnson vì sản phẩm phấn rôm chứa thành phần gây ung thư. Đây không phải bê bối đầu tiên, khi hãng đã phải giải quyết hơn 1.200 vụ kiện và hàng tỷ USD tiền bồi thường.

Vụ kiện mới nhất của Stephen Lanzo

Stephen Lanzo, người đàn ông 42 tuổi đến từ Verona, New Jersey vừa thắng kiện hãng Johnson&Johnson và nhận được khoản bồi thường 40 triệu USD sau khi cáo buộc sản phẩm phấn rôm chứa bột talc của hãng này là nguyên nhân khiến anh bị u trung biểu mô.

Vụ kiện được Lanzo và vợ đưa ra tòa từ năm 2016 ngay sau khi anh nhận được chẩn đoán bị u trung biểu mô, mà nguyên nhân chính là do thường xuyên sử dụng sản phẩm phấn rôm chứa bột talc trong hơn 30 năm.

U trung biểu mô (Mesothelioma) là căn bệnh ung thư lớp mô phủ bên trong lồng ngực hoặc ổ bụng. Ở người bị loại ung thư này, màng phổi, màng tim, màng bụng thường bị tế bào ung thư xâm lăng và gây tác hại nặng nhẹ khác nhau, nó cũng được xếp vào nhóm bệnh giết người thầm lặng và hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị. Phần lớn số người mắc bệnh là do hít phải sợi amiăng – chất gây ung thư phổi có trong talc, vốn phải được loại bỏ hoàn toàn trước khi đưa vào sử dụng. Sản phẩm phấn rôm trẻ em của hãng J&J chứa bột talc – thành phần được ưa thích vì có khả năng thấm hút dầu và mồ hôi trên da, tuy nhiên hãng này liên tục bị phản ánh về việc phấn rôm không đạt tiêu chuẩn hay đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

johnson

 Stephen Lanzo, người vừa “gia nhập” danh sách những người thắng kiện J&J và nhận được khoản bồi thường khổng lồ.

Johnson & Johnson là công ty chăm sóc sức khỏe lớn nhất thế giới với các sản phẩm được đông đảo mọi người sử dụng. Đây cũng là một công ty danh tiếng hàng đầu về dược phẩm, thiết bị y tế và đóng gói hàng hóa tiêu dùng của Mỹ. Tuy nhiên, đây cũng không phải lần đầu tiên J&J dính phải bê bối không loại bỏ hoàn toàn chất độc và đảm bảo an toàn trong bột talc khi sản xuất các sản phẩm phấn rôm trẻ em. Chỉ trong vòng vài năm, Johnson&Johnson đối mặt với hơn 1.200 vụ kiện của khách hàng ở Mỹ do họ không được cảnh báo về những rủi ro khi sử dụng những sản phẩm của công ty, chủ yếu liên quan đến sản phẩm phấn rôm trẻ em.

Vụ kiện của bà Eva Echeverria và khoản bồi thường kỉ lục 417 triệu USD

Tháng 8/2017, bà Echeverria đã đệ đơn khởi kiện, cáo buộc loại phấn rôm trẻ em của hãng J&J đã khiến bà bị ung thư buồng trứng sau một thời gian rất dài sử dụng. Theo tài liệu tố tụng, bà đã sử dụng phấn rôm của J&J hàng ngày từ những năm 1950 cho tới năm 2016. Năm 2007 bà bị chẩn đoán ung thư buồng trứng và cáo buộc nguyên nhân là do phấn rôm của J&J. Cũng theo luật sư của nguyên đơn, các chứng cứ trong vụ kiện đã bao gồm cả những tài liệu nội bộ trong nhiều thập kỷ "đã chứng tỏ với bồi thẩm đoàn rằng hãng J&J hiểu rõ nguy cơ của phấn rôm và chứng ung thư buồng trứng" nhưng không hề cảnh báo tới người dùng.

Bồi thẩm đoàn ở Los Angeles ngày 21/8 đã yêu cầu hãng Johnson & Johnson bồi thường khoản tiền kỷ lục 417 triệu USD, đây là phán quyết đặt ra mức phạt lớn nhất trong số hàng loạt vụ kiện tương tự nhằm vào hãng này trên toàn nước Mỹ. Tuy nhiên đến tháng 10, Thẩm phán Maren Nelson đã đảo ngược phán quyết sơ thẩm và cho phép hãng J&J yêu cầu phiên tòa mới.

johnson 1

 J&J đang mất dần niềm tin từ người tiêu dùng vì hàng ngàn vụ kiện và những bê bối quanh việc đảm bảo tính an toàn của các sản phẩm dược – mỹ phẩm.

Vụ kiện của bà Jackie Fox và 72 triệu USD bồi thường vì ung thư buồng trứng

Vụ kiện được người thân của bà Jackie Fox đưa ra vào năm 2016, một năm sau khi bà qua đời vì căn bệnh ung thư buồng trứng. Người phụ nữ này sống ở thành phố Birmingham, bang Alabama đã sử dụng 2 sản phẩm có chứa bột talc của hãng là phấn rôm và sữa tắm em bé trong khoảng hơn 35 năm trước khi được chẩn đoán là mắc ung thư buồng trứng vào năm 2013. Bản án được thông qua với 10/12 phiếu đồng thuận, buộc hãng J&J phải bồi thường 10 triệu USD cho gia đình của Fox và 62 triệu tiền phạt. Trong năm 2016, hãng cũng phải bồi thường 55 triệu USD cho một nạn nhân khác vào tháng 5. Và đến tháng 10/2016, J&J cũng phải bồi thường thiệt hại tương tự với số tiền là 67,5 triệu USD.

Trước đó, tháng 10/2013, bồi thẩm đoàn liên bang tại thành phố Sioux Falls, bang South Dakota tuyên bố việc sử dụng phấn thơm J&J khiến tế bào ung thư của một nguyên đơn có tên Deane Berg trở nên nặng hơn. Tuy nhiên, hồ sơ cho thấy phiên tòa này không yêu cầu J&J bồi thường thiệt hại. Berg được chẩn đoán ung thư buồng trứng vào năm 2006, sau 30 năm sử dụng phấn rôm Baby Powder của công ty này.

1.200 vụ kiện trên khắp nước Mỹ

Theo thống kê năm 1016, gần 1.200 phụ nữ và gia đình của họ khởi kiện J&J vì sản phẩm phấn rôm gây ung thư và IMERYS – nhà cung cấp nguyên liệu phấn rôm cho J&J, tuyên bố họ đã biết đến các nguy cơ từ các hiệp hội ung thư buồng trứng trong nhiều năm nhưng không cảnh báo công ty này. Phát biểu sau buổi điều trần, một thành viên của bồi thẩm đoàn cho biết cô nhận thấy rằng J&J – công ty dược phẩm và thiết bị y tế - đã không thành thật. “Tất cả những gì J&J cần phải làm bây giờ là dán nhãn cảnh báo lên sản phẩm của mình”, cô nhấn mạnh.

Mắc nhiều tai tiếng và rắc rối xung quanh sản phẩm chứa bột talc

Ngay từ năm 1971, các nhà nghiên cứu đã cho ra nhiều con số cho thấy ung thư buồng trứng và sử dụng bột talc có liên quan với nhau. Năm 1992, một nghiên cứu chỉ ra rằng thường xuyên sử dụng phấn trẻ em làm tăng nguy cơ phát triển ung thư buồng trứng gấp ba lần. Tiếp đó, năm 2010, một nghiên cứu của ĐH Harvard cho thấy bột talc trong phấn trẻ em có nguy cơ gây ung thư cho con người. Tuy nhiên, bất chấp cảnh báo, loại bột này vẫn được lưu hành trên thị trường mà không có bất cứ cảnh báo nào từ Công ty J&J.

Bà Carol Goodrich, phát ngôn viên J&J cho biết hãng rất cảm thông với tình trạng ung thư buồng trứng của nhiều phụ nữ nhưng khẳng định độ an toàn của sản phẩm phấn rôm do công ty bà sản xuất đã được khoa học chứng minh và bồi thẩm đoàn “không nên thay các nhà khoa học làm điều đó”. Bà nói thêm: “Trách nhiệm trên hết của chúng tôi là sức khỏe và an toàn của người tiêu dùng. Chúng tôi rất thất vọng về kết quả của phiên tòa. Dù rất cảm thông với gia đình nguyên đơn nhưng chúng tôi tin chắc độ an toàn của phấn rôm đã được khoa học chứng minh hàng thập niên qua”.

Vũ Thảo

Tin khác

Tài sản trí tuệ 14 giờ trước
(SHTT) - Luật sư Vũ Thị Hồng Yến, Giám đốc Công ty Luật TNHH Rouse Việt Nam cho biết, hàng giả được bán tràn lan trên mạng và cửa hàng truyền thống trên toàn khu vực ASEAN. Kết quả khảo sát của WIPO với 1000 người tại mỗi quốc gia ASEAN cho thấy, có 88% người tiêu dùng nhìn thấy hàng giả trên thị trường.
Tài sản trí tuệ 2 ngày trước
(SHTT) - Công ty dược phẩm Kobayashi, Nhật Bản, mới đây đã phát đi thông báo thu hồi các sản phẩm có chứa thành phần gạo lên men beni kōji sau khi liên tục nhận được các báo cáo về việc nhập viện sau khi sử dụng từ người tiêu dùng.
Tài sản trí tuệ 2 ngày trước
(SHTT) - Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 thuộc Cục QLTT Cao Bằng vừa xử phạt 13,5 triệu đồng đối với một hộ kinh doanh trên địa bàn về hành vi kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu.
Tài sản trí tuệ 2 ngày trước
(SHTT) - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Hưng Yên vừa ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Thép không gỉ B.N, địa chỉ trụ sở chính: Phường Phan Đình Phùng, Thị Xã Mỹ Hào, Tỉnh Hưng Yên về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Tài sản trí tuệ 2 ngày trước
(SHTT) - Cục QLTT tỉnh Quảng Bình đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Xây lắp và Thương mại Ngân Hà số tiền 90 triệu đồng, tịch thu tang vật vi phạm là bộ máy phát điện hiệu CATERPILLAR sản xuất tại Mỹ, đã qua sử dụng có giá trị hơn 1,2 tỉ đồng.