SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 29/03/2024
  • Click để copy

Dự án Khu đô thị Thủ Thiêm: Thực hư về tin đồn Đại Quang Minh được ưu ái

14:43, 07/05/2018
Dư luận đang đặt ra câu hỏi vì sao Công ty Cổ phần đầu tư địa ốc Đại Quang Minh lại trở thành một trong những nhà đầu tư chủ chốt tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, và có ưu ái dành cho Đại Quang Minh hay không?
du-an-khu-do-thi-thu-thiem-thuc-hu-ve-tin-don-dai-quang-minh-duoc-uu-ai
Một góc Khu đô thị Thủ Thiêm nhìn từ trên cao (Ảnh tư liệu).

Giải thích của UBND TPHCM về việc mất bản đồ gốc 1/5000 Khu đô thị mới Thủ Thiêm đến nay chưa thuyết phục dư luận. Đặc biệt việc mất bản đồ có liên quan đến vấn đề giải tỏa, đền bù cho 15.000 hộ dân tại Thủ Thiêm.

Theo đó, người dân thuộc diện bị giải tỏa mặt bằng tại Khu đô thị Thủ Thiêm cho rằng, trả lời của UBND TP HCM  về việc bản đồ “thất lạc” là điều không tưởng. Bởi quản lý đất đai, quy hoạch giải tỏa Khu đô thị Thủ Thiêm phải có bản đồ này.

Liệu có khuất tất gì liên quan đến tấm bản đồ này trong việc giải quyết tranh chấp ranh giới ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm hay không?

Dư luận đang đặt ra câu hỏi vì sao công ty cổ phần đầu tư địa ốc Đại Quang Minh lại trở thành một trong những nhà đầu tư chủ chốt tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, và có ưu ái dành cho Đại Quang Minh hay không.

Đại Quang Minh là doanh nghiệp do Tổng công ty Phát triển Hạ tầng & Đầu tư Tài chính Việt Nam – Công ty Cổ phần (viết tắt là VIDIFI), Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Ngân Bình, cùng ông Trần Đăng Khoa và Công ty cổ phần Đầu tư Mai Linh thành lập năm 2011.

Giai đoạn khủng hoảng tài chính cuối năm 2012, Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) mua 30% cổ phần và đến năm 2014 mua thêm 15% cổ phần của Công ty Đại Quang Minh. Đến giữa năm 2016,Thaco đã nâng tỷ lệ sở hữu tại Đại Quang Minh từ 45% lên 90%. Thực tế tại Thủ Thiêm hiện nay cho thấy Đại Quang Minh đang nỗ lực tối đa để thực hiện các dự án của công ty nhằm góp phần biến bờ phía đông sông Sài Gòn thành một đô thị mới với hướng phát triển là khu vực trung tâm mới của TP.HCM trong những năm tới.

Từ khi trở thành nhà đầu tư tiên phong tại Thủ Thiêm vào năm 2015 đã có tin đồn không tốt tập trung vào ĐQM và Khu đô thị Sala do ĐQM đầu tư, thậm chí có người còn cho rằng ĐQM đã được ưu ái.

Trả lời báo Thanh Niên ngày 10/08/2015, ông Dương cho biết: “Nếu thực sự có ưu ái tôi khẳng định sẽ không làm. Thực tế năm 2012, khi chúng tôi đầu tư sang bất động sản tại Thủ Thiêm là có lời mời của lãnh đạo thành phố. Đó cũng là thời kỳ khủng hoảng kinh tế Việt Nam đang ở giai đoạn trầm trọng, mọi ngành nghề đều bị ảnh hưởng trong đó bất động sản là nặng nề nhất. Thủ Thiêm thời gian đó hầm chưa xây dựng xong, mới chỉ có cầu Thủ Thiêm 1. Dự án cầu Thủ Thiêm 2 và 4 tuyến đường chính chưa khởi động”.

“Những dự án hạ tầng này Thủ tướng và Thành phố đã giao cho các nhà đầu tư theo hình thức BT nhưng chưa triển khai gì, khu vực dự án còn hoàn toàn hoang hóa, sình lầy và cũng chưa có dự án bất động sản nào được ký kết đầu tư nên Thành phố khuyến khích và vận động chúng tôi đàm phán với các đối tác này để nhận lại hợp đồng BT, đặc biệt là hai dự án 04 tuyến đường chính trong nội khu Thủ Thiêm và cầu Thủ Thiêm 2, đồng thời chúng tôi nộp ngay cho ngân sách thành phố 3.325 tỉ đồng tiền mặt”.

Công ty Đại Quang Minh thực hiện đầu tư xây dựng 4 tuyến đường giao thông chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2), gồm đại lộ Vòng Cung, đường ven hồ trung tâm, đường ven sông Sài Gòn, đường trên cao qua vùng châu thổ bằng bê-tông nhựa với tổng chiều dài gần 12 km (bao gồm 8 cầu và 2 cầu cạn)

Sau khi xây dựng hoàn chỉnh, 4 tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm có tổng chiều dài khoảng 12 km này sẽ được nghiệm thu, bàn giao lại cho Ban Quản lý Đầu tư - Xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm và các cơ quan chuyên ngành quản lý theo quy định.

Cùng với việc thi công 4 tuyến đường chính, Đại Quang Minh cũng được giao làm nhà đầu tư Quảng trường trung tâm và Công viên bờ sông trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao).

Một dự án quan trọng khác kết nối khu trung tâm với Thủ Thiêm là cầu Thủ Thiêm 2 cũng được giao cho Đại Quang Minh làm chủ đầu tư. Dự án cầu Thủ Thiêm 2 đã được Đại Quang Minh hoàn tất thiết kế theo phương án 6 làn xe.

Song song với các dự án hạ tầng, Đại Quang Minh cũng đầu tư xây dựng Khu đô thị phía Nam đường Mai Chí Thọ với tên thương mại là Khu đô thị Sala có tổng diện tích 106ha, trong đó đất khai thác là 42,47ha bao gồm 27,35ha đất xây dựng nhà ở và 15,12ha đất xây dựng công trình hỗn hợp thương mại - dịch vụ; 16,54ha đất công trình công cộng và tiện ích xã hội như bệnh viện, trường học, nhà văn hoá, bến du thuyền;9,1ha đất xây dựng công viên cây xanh, và 38,3ha đất giao thông. Riêng diện tích đất giao thông, Đại Quang Minh tự đầu tư kinh phí xây dựng các công trình giao thông và sẽ bàn giao lại cho nhà nước quản lý và vận hành.

Một doanh nghiệp được thành lập chỉ vỏn vẹn 2 năm chưa có kinh nghiệm thị trường bất động sản nhưng Đại Quang Minh lại được UBND TPHCM giao cho dự án Khu đô thị Thủ Thiêm khiến giới đầu tư bất động sản bất ngờ.

Ông Dương chia sẻ: “Tại thời điểm đó, lãi vay là 25%, các công ty bất động sản khác đang trong giai đoạn tồn kho nhiều và đối diện với khó khăn nên không ai nhận. Doanh nghiệp nước ngoài cũng ngán vì đầu tư họ tính rất kỹ. Nếu thị trường đầu ra không có và kinh tế đang xuống thì họ không bao giờ bỏ tiền đầu tư. Ngay cả lãnh đạo thành phố cũng nói với chúng tôi đầu tư dự án này là mạo hiểm và có tinh thần yêu nước (…) Mục đích lớn nhất của tôi là tôi muốn có dấu ấn, tham gia đóng góp xây dựng khu đô thị và hạ tầng chính yếu của Thủ Thiêm. Vì thế, trong mấy năm đầu chúng tôi chuẩn bị tài chính để đầu tư, xây dựng chứ không nói tới bán hàng. Từ cuối năm 2012 đến 2015, chúng tôi âm thầm xây dựng rất nhiều nhưng phải vào hẳn bên trong Khu đô thị Sala mới biết chứ nhìn từ ngoài thì không thấy”.

Đến nay, ĐQM đã hoàn thành 4 tuyến đường chính và đưa vào sử dụng vào tháng 2/2017; dự án cầu Thủ Thiêm 2 đã triển khai xây dựng đường dẫn phía quận 2 và phía quận 1, trụ chính dây văng ở giữa sông Sài Gòn. ĐQM cũng hoàn thành thiết kế Cầu đi bộ, chuẩn bị khởi công Quảng trường Trung tâm và Công viên Bờ sông.  Giai đoạn 1 dự án Khu đô thị Sala đã hoàn thành và được đánh giá là khu đô thị kiểu mẫu của thành phố.

Về cầu Thủ Thiêm 2 triển khai chậm so với kế hoạch, công ty Đại Quang Minh giải thích do tiến độ bàn giao mặt bằng thi công cho Nhà đầu tư chậm. Việc dự án này chậm tiến độ khiến việc đi lại của người dân gặp khó khăn, hầm Thủ Thiêm luôn trong cảnh kẹt cứng giờ cao điểm.

Trong diễn biến khác, liên quan đến lùm xùm về tấm bản đồ tại buổi họp báo của Chính phủ chiều 4/5. Trả lời câu hỏi của báo chí Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, Khu đô thị Thủ Thiêm được triển khai theo hai bước là quy hoạch chung năm 1996 (bản đồ 1/5.000), sau đó là điều chỉnh quy hoạch năm 2005 (quy hoạch chi tiết, bản đồ 1/2.000) -  cụ thể hoá và phân giới cắm mốc trên thực địa. Quy hoạch sau chính xác hoá quy hoạch trước.

Theo ông Hùng, như vậy ở Thủ Thiêm có nhiều bản đồ. Tất cả bản đồ có căn cứ pháp lý từ 2005 như bản đồ quy hoạch chung, chi tiết, xác định ranh giới đang được giữ đầy đủ. Việc triển khai dự án, thu hồi đất là dựa trên cơ sở các bản đồ này.

"Còn bản đồ thất lạc là bản đồ quy hoạch chung được phê duyệt năm 1996, về pháp lý đã được thay thế bởi quy hoạch chung năm 2005", ông Hùng nói. "Việc thất lạc tài liệu gây ảnh hưởng như thế nào và trách nhiệm thuộc về ai, liên quan đến triển khai chi tiết của quy hoạch trước ra sao, tất cả sẽ được cơ quan chức năng xem xét làm rõ".

Tuy nhiên KTS Phạm Thanh Tùng - Hội Kiến trúc sư Việt Nam quy hoạch 1/5.000 là quy hoạch tổng thể, quy hoạch chung có vai trò định hướng phát triển. Trong đó, sẽ rõ ràng là mốc giới, địa giới của các phần đất dành để phát triển hạ tầng đường, cầu, cống, điện, trường học, khu dân cư, cây xanh, hồ nước... Trên cơ sở đó, mới phát triển các quy hoạch phân khu 1/2.000, rồi từ đó mới đến quy hoạch chi tiết 1/500.

“Quy hoạch 1/5.000 là cơ sở pháp lý rất quan trọng, từ đó triển khai các quy hoạch phân khu, chi tiết. Đây cũng là cơ sở gốc để xác định mục tiêu phát triển, kêu gọi đầu tư cũng như vấn đề giải phóng mặt bằng, đền bù, di dân... Cần phải làm rõ mất bản quy hoạch 1/5.000 từ thời điểm nào? Đây là văn bản pháp lý mẹ, là cơ sở để từ đó TP HCM mới ra được những văn bản khác liên quan đến việc phát triển Thủ Thiêm”, ông Tùng nói.

Mặt khác sau khi có quyết định quyết định 367 của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 1996 thì năm 2002 TP HCM tiến hành giải tỏa, thu hồi đất. Nếu nói theo lý giải của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng thì TP HCM vi phạm nghiêm trọng trong thu hồi giải tỏa đất vì thu hồi đất (năm 2002)  trước có bản đồ quy hoạch (2005), có nghĩa thu hồi giải tỏa không có căn cứ?

Như vậy rõ ràng cách giải thích của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng đang muốn lái sang việc bản đồ quy hoạch năm 2005 thay thế cho bản đồ gốc năm 1996 là không đúng. Bởi nguyên tắc có bản đồ gốc 1/5.000 Khu đô thị Thủ Thiêm năm 1996 đi cùng quyết định 367 của Thủ tướng Chính phủ mới có căn cứ cho ra quy hoạch 1/2.000 năm 2005.

 

Ông Võ Viết Thanh công bố 13 bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm 1/5000

Nguyên chủ tịch UBND TP HCM Võ Viết Thanh khẳng định "làm sao có chuyện mất bản đồ" và cung cấp 13 tấm bản đồ trong tập hồ sơ "Đồ án quy hoạch phát triển Khu trung tâm thành phố mới Thủ Thiêm TP.HCM tháng 5-1995".

 

Người dân trưng ra bản sao tấm bản đồ quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm bị “mất tích”

Tấm bản đồ 1/5000 khu đô thị Thủ Thiêm từ năm 1996 Sở Quy hoạch TPHCM cho rằng chưa từng thấy, Bộ Xây dựng khẳng định tồn tại nhiều bản đồ về Thủ Thiêm, Trưởng Ban Tiếp công dân T.Ư nói “làm gì có bản đồ mà tìm”. Thế nhưng, ngày 4.5, ông Lê Văn Lung (nhà số 9 Trần Não, khu phố 1, quận 2, đã bị giải tỏa) bất ngờ tung ra cho PV Lao Động bản sao tấm bản đồ gốc quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm tỷ lệ 1/5.000 có dấu đỏ xác nhận của Văn phòng kiến trúc sư trưởng, Sở Xây dựng và Cty Dịch vụ phát triển đô thị, và khẳng định “không thể nói là không có bản đồ quy hoạch 1/5.000 khu đô thị Thủ Thiêm”.

 

Bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm: 'Làm gì có mà tìm!'

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Hồng Điệp - Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương (Thanh tra Chính phủ) - cho rằng, TPHCM cần sớm trả lời sòng phẳng, thẳng thắn với người dân là không có bản đồ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, vì Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước cũng không có.

Tin khác

Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Theo phân tích của Financial Times, xe điện của Trung Quốc được dự đoán sẽ chiếm khoảng 1/4 tổng doanh số bán xe điện trên thị trường châu Âu trong năm nay, khi các thương hiệu của quốc gia này đang mở rộng dấu ấn của họ trong khu vực.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Luật sư Vũ Thị Hồng Yến, Giám đốc Công ty Luật TNHH Rouse Việt Nam cho biết, hàng giả được bán tràn lan trên mạng và cửa hàng truyền thống trên toàn khu vực ASEAN. Kết quả khảo sát của WIPO với 1000 người tại mỗi quốc gia ASEAN cho thấy, có 88% người tiêu dùng nhìn thấy hàng giả trên thị trường.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Theo thông tin từ văn phòng kinh tế văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc và thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan đã gửi thông báo về việc tăng cường kiểm tra ớt nhập khẩu về an toàn thực phẩm...
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Xiaomi ra mắt Civi 4 Pro là điện thoại đầu tiên trang bị chipset Snapdragon 8s Gen 3 và camera mang nhãn hiệu Leica. Đây là một bản nâng cấp vượt bậc so với những mẫu điện thoại tầm trung mà hãng đã ra mắt trước đó.
Kinh tế 2 ngày trước
(SHTT) - Thời gian vừa qua, trước diễn biến của thị trường vàng thế giới và trong nước, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tiến hành tuyên truyền, rà soát 127 điểm kinh doanh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh gia công, chế tác và kinh doanh vàng bạc trên địa bàn tỉnh.