SO HUU TRI TUE
Thứ ba, 16/04/2024
  • Click để copy

Doanh nghiệp "đứng sau" tân Chủ tịch Vinaconex Đào Ngọc Thanh làm ăn ra sao?

15:05, 16/01/2019
(SHTT) - Tham vọng đưa Vinaconex nằm trong Top 3 doanh nghiệp xây dựng và lô gô gắn trên các nóc tòa nhà cao tầng, nhưng doanh nghiệp xây dựng được tân chủ tịch Vinaconex Đào Ngọc Thanh "chống lưng" gây dựng hơn 20 năm vẫn là một tên tuổi "thường thường bậc trung".

 Sáng 11/1 vừa qua, Tổng Cty CP xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam - Vinaconex (Mã CK: VCG) đã tiến hành Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2019 nhằm tái cơ cấu lại đội ngũ Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban kiểm soát (BKS).

Theo đó, cổ đông Vinaconex đã bầu ra 7 thành viên HĐQT, trong đó, ông Đào Ngọc Thanh được bầu giữ chức Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Vinaconex nhiệm kỳ 2017-2022.

csc2

 Chân dung ông Đào Ngọc Thanh

Như tin đã đưa trước đó, trong tháng 11/2018, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel đã thoái thành công lần lượt 57,71% và 21,28% vốn điều lệ. Bên nhận chuyển nhượng gồm 3 cổ đông, bao gồm: An Quý Hưng sở hữu 57,71%, BĐS Cường Vũ sở hữu 21,3% và Star Invest nắm 7,57% vốn điều lệ Vinaconex.

Về đại diện phía An Quý Hưng tham gia buổi Đại hội vừa qua, có ông Đào Ngọc Thanh – Một doanh nhân có tiếng trong ngành xây dựng. Theo đó, ông Thanh được biết đến là Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Contana (CSC). Bên cạnh đó, ông còn là thành viên sáng lập, từng nhiều năm nắm giữ vị trí Tổng giám đốc Cty CP Đầu tư và Phát triển Việt Hưng (Vihajico - hiện đã đổi tên thành CTCP Tập đoàn Ecopark), chủ đầu tư khu đô thị Ecopark Hưng Yên. Ngoài ra, ông Đào Ngọc Thanh hiện cũng đang là Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư châu Á - Thái Bình Dương (API)...

Theo tìm hiểu, Cotana Group tiền thân là CTCP Đầu tư và Xây dựng Thành Nam do ông Đào Ngọc Thanh thành lập từ năm 1993, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng.

Ở thời điểm đó, những dự án đầu tiên của Thành Nam chỉ là các công trình thi công xây dựng quy mô nhỏ. Sau 24 năm hoạt động, vào năm 2017, Công ty đã quyết định tái định vị hình ảnh công ty bằng cái tên mới "Công ty Cổ phần Tập đoàn Cotana". Đến nay công ty đã trở thành một tập đoàn kinh tế trong lĩnh vực xây dựng với 20 công ty con, công ty thành viên và liên kết khác hợp tác làm nhiều dự án trong lĩnh vực xây dựng. Trong đó, Cotana., JSC đóng vai trò là công ty mẹ.

Cotana Group được biết đến là doanh nghiệp đã tham gia thi công khu nhà ở cao tầng đầu tiên của thủ đô tại Định Công, cũng là cái tên gắn liền với nhiều dự án khu đô thị lớn như Linh Đàm, Trung Hòa – Nhân Chính, Văn Quán, Việt Hưng…

Thay vì những dự án quy mô nhỏ thời điểm ban đầu thì hiện giờ, các dự án xây dựng do công ty này thực hiện đã đa dạng và ở quy mô lớn hơn, bao gồm từ các dự án dân dụng như biệt thự, nhà cao tầng đến khách sạn, trung tâm thương mại và các khu đô thị mới...

Trong năm 2017 với việc tập trung đầu tư vào dự án Ecogarden 43 ha, nằm trong khu đô thị An Vân Dương, thành phố Huế với tổng diện tích khoảng 1.400 ha, Cotana đã và đang khẳng định mình không chỉ là một nhà thầu xây dựng uy tín mà còn là một nhà đầu tư bất động sản giàu kinh nghiệm và năng lực tài chính.

Không dừng lại ở đó, Cotana Group đã mở rộng lĩnh vực hoạt động sang cả đầu tư và sản xuất các vật liệu xây dựng, nội thất... Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng trở thành cổ đông sáng lập của CTCP đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico) - Chủ đầu tư khu đô thị sinh thái Ecopark, đồng thời hợp tác với các đối tác tên tuổi trong ngành xây dựng như: Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (HUD) – chủ đầu tư của nhiều khu đô thị lớn tại Hà Nội, Bắc Ninh; Tổng Công ty Cơ khí Xây dựng (COMA) với dự án đường liên tỉnh Hà Nội – Hưng Yên…

csc3

 

Tại ĐHĐCĐ bất thường Vinaconex, ông Đào Ngọc Thanh chia sẻ: “Tôi đến đây để đại diện cho nhóm cổ đông tham gia vào Vinaconex và phần lớn các cổ đông này đều làm trong ngành xây dựng. Chúng tôi không phải là các đại gia, cũng không làm trong ngành thương mại, không có ngân hàng. Chúng tôi muốn làm việc gì đó để giữ lại thương hiệu Vinaconex. Còn việc trở thành TOP 3 trong ngành xây dựng, tôi là người sống với nghề xây dựng, tôi nghĩ đó không phải là ước muốn của cá nhân tôi mà là ước muốn của tất cả các anh chị ở đây. Đây là điều chúng ta phải suy nghĩ. Có lẽ một phần do cơ chế, một phần do trong thời gian dài chúng ta đam mê với những công việc khác mà chúng ta không có tên trên các tòa nhà, các công trình ở phía Bắc Việt Nam”.

Tân Chủ tịch HĐQT Vinaconex cũng bày tỏ mong muốn đưa thương hiệu Vinaconex lên một tầm cao mới, đồng thời ngụ ý về định hướng phát triển của Vinaconex:

“Tôi đến đây với mong muốn để đưa tên của Vinaconex lên trên các tòa nhà. Do đó, tôi mong cổ đông yên tâm, chúng tôi sẽ suy nghĩ về vấn đề này hết sức thấu đáo và nghiêm túc. Vinaconex không phải là công ty chỉ xây lắp mà là một thương hiệu đa dịch vụ. Chúng ta phải chọn được những ngành nghề gần gũi, xác thực với ngành nghề của chúng ta.”

Được biết, hiện nay, tại Việt Nam, có không ít các doanh nghiệp xây dựng lớn, có tên tuổi gắn liền với những dự án bất động sản hàng đầu trong nước như Coteccons, Hòa Bình hay Phục Hưng Holdings... Theo đó, khi đặt doanh nghiệp của tân Chủ tịch Vinaconex vào so sánh với các doanh nghiệp này thì có sự cách biệt rất lớn.

Theo BCTC hợp nhất Quý III/2018 cho thấy, lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Cotana đạt 243,3 tỷ đồng, tăng 52,9% so với cùng kỳ năm 2017. Sau khi trừ đi chi phí, lợi nhuận trước thuế và sau thuế của doanh nghiệp này ghi nhận lần lượt 147,6 tỷ đồng và 115 tỷ đồng, tăng tương ứng 77,9% và 73,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

cotana

 

cotana1

 Nguồn: BCTC hợp nhất Quý III/2018 các doanh nghiệp

Tính đến ngày 30/9/2018, Cotana có tổng tài sản đạt mức 701,8 tỷ đồng, tăng 20,3% so với đầu năm, trong đó, hàng tồn kho tăng 39,6% lên mức 103,8 tỷ đồng. Cùng với đó, nợ phải trả của Công ty cũng tăng lên mức 361,8 tỷ đồng.

Như vậy, với kết quả này, đến hết Quý III/2018, tài sản của cotana chỉ bằng 1/3 Phục Hưng và bằng 1/21 so với Hòa Bình và Coteccons. Tuy nhiên, Cotana lại gây bất ngờ khi lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm 2018 lại gấp gần 3 lần con số mà Phục Hưng ghi nhận. Còn so với Hòa Bình và Coteccons thì lợi nhuận của Cotana lần lượt bằng 1/4 và 1/10.

Ánh Phượng

Tin khác

Kinh tế 1 giờ trước
(SHTT) - Trong bối cảnh rác thải thời trang ngày càng gia tăng, Mèo Tôm Handmade đã được thành lập và đóng vai trò như một giải pháp sáng tạo và đầy ý nghĩa, biến những chiếc quần jean cũ thành những chiếc túi xách độc đáo và thân thiện với môi trường.
Kinh tế 17 giờ trước
(SHTT) - Sáng 15/4,UBND Tỉnh Quảng Ninh, Liên hiệp Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cùng với Viện Quản trị chính sách và Chiến lược phát triển phối hợp tổ chức hội nghị chiến lược phát triển kinh tế tư nhân 2024.
Kinh tế 22 giờ trước
(SHTT) - Vừa qua, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức "Diễn đàn Doanh nghiệp 2024: Khơi thông động lực tăng trưởng mới"
Kinh tế 2 ngày trước
(SHTT) - UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản số 1213/QĐ-UBND phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị Đông Nam thành phố Thanh Hóa. Khu vực lập quy hoạch thuộc địa giới quản lý hành chính phường Quảng Thành, Quảng Đông, Quảng Cát, Quảng Phú, Quảng Tâm, thành phố Thanh Hóa…
Kinh tế 2 ngày trước
(SHTT) - Mua bán online lên ngôi, nhiều chợ truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội không còn cảnh khách mua hàng nhộn nhịp, sầm uất như trước. Thay vào đó, nhiều gian hàng đã đóng cửa, những tiểu thương còn lại cố gắng “gồng lỗ” để duy trì buôn bán dù ế ẩm.