SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 20/04/2024
  • Click để copy

Đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng lên 4.000đ/lít: Một lít xăng đang gánh bao nhiêu tiền thuế, phí?

11:00, 18/05/2018
(SHTT) - Liên quan đến đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng lên 4.000đ/lít được Bộ Tài chính đưa ra mới đây, đã có nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra để thảo luận.
minh hoa xang

Đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng lên 4000đ/lít: Một lít xăng đang gánh bao nhiêu tiền thuế, phí?. Ảnh minh họa: Internet 

Nhiều ý kiến xung quanh đề xuất  tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng lên 4000đ/lít

Bộ Tài chính mới đây đã có tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Nghị quyết về Biểu thuế bảo vệ môi trường. Theo đó từ 1/7/2018, mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) của xăng tăng từ 3.000 đồng/lít lên kịch khung là 4.000 đồng/lít, dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên kịch khung 2.000 đồng/lít, dầu nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên kịch khung là 2.000 đồng/lít... 

Bộ Tài chính dự kiến số thu ngân sách mỗi năm từ thuế xăng dầu sẽ đạt khoảng trên 55.000 tỷ đồng, tăng khoảng 14.368 tỷ đồng.

Lý do Bộ Tài chính đề xuất tăng khung thuế đối với mặt hàng xăng dầu là do việc thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (hiện Việt Nam đã và đang tham gia 11 Hiệp định thương mại tự do).

Bộ Tài chính cho rằng vì mức thuế nhập khẩu xăng dầu từ các nước đang được cắt giảm mạnh nên đã ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, nhất là xăng dầu nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc. Cụ thể xăng dầu nhập khẩu từ thị trường ASEAN và Trung Quốc chiếm tỷ lệ lớn (trên 60%). Bên cạnh đó, việc thực hiện cắt giảm mức thuế nhập khẩu theo các hiệp định thương mại tự do nên số thu từ hoạt động nhập khẩu xăng dầu liên tục giảm qua các năm.

Ngoài ra, theo giải thích của Bộ Tài chính, hiện giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam đứng vị trí 47 từ dưới lên trong tổng số 167 quốc gia và thấp hơn 120 nước, với mức 19.980 đồng/lít.

Bộ Tài chính khẳng định việc tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ khuyến khích sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả; góp phần khuyến khích sản xuất, tiêu dùng hàng hóa thân thiện với môi trường (như xăng dầu sinh học - xăng E5, E10, dầu diesel B5, B10, túi ni lông thân thiện với môi trường).

Từ đó, sẽ giảm phát thải ô nhiễm môi trường, đảm bảo phát triển kinh tế bền vững, phát triển kinh tế đi liền giảm ô nhiễm môi trường và thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, đề xuất tăng kịch khung thuế BVMT với xăng, dầu đang vấp phải không ít ý kiến trái chiều.

Có thể nói, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, là yếu tố đầu vào của nền kinh tế. Tuy nhiên, giá xăng dầu hiện nay phải cõng quá nhiều loại thuế, phí như thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, chi phí định mức, lợi nhuận định mức, chi quỹ bình ổn...khiến giá xăng tăng cao. Giá xăng tăng cao sẽ tác động mạnh đến mọi mặt hàng sản xuất và tiêu dùng, ảnh hưởng đời sống người dân.

Zing.Vn đưa tin, trong bản góp ý của do Thứ trưởng, Trung tướng Bùi Văn Thành ký, Bộ Công an cho rằng khi tăng thuế bảo vệ môi trường với các mặt hàng như xăng, dầu, nhiên liệu bay, sẽ tác động đến giá bán của hàng hóa, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, xã hội và nền kinh tế đất nước.

Bộ Công an đề nghị Bộ Tài chính cần nghiên cứu kỹ trước khi đưa ra biểu thuế phù hợp.

Đồng quan điểm trên, Bộ Công Thương cũng nói phải xem xét, tính toán cẩn trọng khi tăng thuế, do xăng dầu là mặt hàng thiết yếu và là nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Việc điều chỉnh thuế cũng cần được cân nhắc trong bối cảnh đang khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học (xăng E5, xăng E10) thay thế các loại xăng không chì. Ngoài ra còn cần đảm bảo giá xăng trong nước không biến động lớn, gây ảnh hưởng đến thị trường và người tiêu dùng.

Bộ Giao thông Vận tải thì cho rằng các mặt hàng xăng dầu sẽ tác động đến chi phí vận tải. Điều này ảnh hưởng đến các giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, đặc biệt là các giải pháp nhằm giảm chi phí vận tải logistics.

Bộ này đề xuất nếu tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu thì phải làm có lộ trình, điều chỉnh một cách hợp lý. Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Bộ Tài chính cần nghiên cứu kỹ đánh giá tác động về mặt kinh tế của chính sách này.

Liên quan đến đề xuất này, Theo Dân Việt, nhìn từ góc độ một người dân, chuyên gia Đinh Tuấn Minh đánh giá, thuế đối với mặt hàng xăng, dầu gần như là một sắc thuế bắt buộc tính trên đầu người bởi hầu hết gia đình đều phải sử dụng các phương tiện giao thông phục vụ nhu cầu đi lại.

Vậy nên, nó là tác động trực tiếp, không ai có thể tránh được. Số tiền tăng thu 15.684,2 tỷ đồng/năm chính là số tiền do người dân, doanh nghiệp bỏ ra.

Trường hợp tăng thuế BVMT với xăng dầu, người nghèo khó có khả năng tiết kiệm được hay mong chờ được hưởng lợi ích lâu dài. Bởi bản thân họ nhiều khi còn có nhu cầu di chuyển, vận chuyển nhiều hơn so với người giàu để có một mức thu nhập cao hơn.

Cũng chính bởi xăng, dầu là hàng hóa thiết yếu nên người dân không thể không sử dụng chúng, không thể lựa chọn dịch chuyển từ sử dụng xa xỉ phẩm sang hàng hóa bình thường như trường hợp của nhiều hàng hóa khác chịu các sắc thuế VAT, TTĐB.

“Không những về mặt tuyệt đối, mà ở mặt tương đối và nhìn về lâu dài, người nghèo vẫn chịu thiệt nhiều hơn các đối tượng có thu nhập cao hơn. Đó là lý thuyết chung đối với các sắc thuế áp dụng cho những mặt hàng thiết yếu’, ông Đinh Tuấn Minh nhận định.

Dưới góc nhìn của chuyên gia Lê Đăng Doanh (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) chia sẻ với Nhịp sống kinh tế, việc Bộ Tài chính muốn tăng thêm nguồn thu là điều có thể giải thích, bởi năm nay, các nguồn thu từ thuế nhập khẩu sẽ bị giảm do thuế nhập khẩu giảm từ 5% xuống 0%.

Các lần điều chỉnh tăng thuế xăng dầu trong hoàn cảnh giá dầu thô thấp là hợp lý. Tuy nhiên, hiện nay, giá dầu thô từ đầu tháng 5 đã tăng vọt lên 70 USD/thùng và được dự báo có thể tăng lên đến 100 USD/thùng. Nếu đề xuất được thông qua, tăng thuế bảo vệ môi trường tăng lên mức kịch trần 4.000 đồng/lít, sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, tạo ra gánh nặng cho doanh nghiệp khi phải tăng chi phí đầu vào và giá thành sản phẩm. Điều này cũng  ây ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng.

"Nếu giá xăng dầu tăng sẽ kéo theo chi phí vận tải, bốc xếp tăng. Điều này lại đi ngược với chỉ đạo giảm chi phí Logistic xuống 50% của Thủ tướng chính phủ. Nhìn rộng ra, chi phí và giá sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam trở nên đắt đỏ, giảm khả năng cạnh tranh rất nhiều", chuyên gia Lê Đăng Doanh nói.

Một lít xăng đang gánh bao nhiêu tiền thuế, phí?

Được biết, xăng là mặt hàng đang chịu nhiều loại thuế phí hiện nay. Tính ra, một lít xăng A95 có giá là 20.910 đồng/lít thì số thuế phí chiếm một nửa.

Cụ thể, mỗi lít xăng đang gánh thuế nhập khẩu 20%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, thuế giá trị gia tăng 10%, thuế bảo vệ môi trường hiện tại là 3.000 đồng/lít.

Giá một lít xăng A95 khi chưa tính bất cứ một loại thuế, phí gì là 0,53 USD/lít (khoảng 12.000 đồng). Tiếp đó, xăng bị cộng thêm 20% thuế nhập khẩu, là 2.400 đồng/lít; 10% thuế tiêu thụ đặc biệt là 1.200 đồng/lít và 3.000 đồng thuế bảo vệ môi trường (mức hiện tại).

Sau khi cộng thêm tất cả các loại thuế, cộng thêm chi phí của doanh nghiệp thì sẽ xác định mức bán ra. Mức thuế VAT sẽ xác định ở mức bán ra (10%).

Tính chung, với giá xăng A95 được công bố vào ngày 8/5, thì ước tính, số thuế phí mà người tiêu dùng khi mua một lít xăng phải trả là khoảng 8.000 đồng.

Mạnh Trường (t/h)

Tin khác

Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Các ngành chức năng, địa phương cùng các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã “chung sức đồng lòng” gia tăng thêm nhiều biện pháp thiết thực nhằm tạo chuyển biến về nhận thức của người dân trong việc ưu tiên mua sắm, tiêu thụ hàng Việt.
Thương hiệu 3 ngày trước
(SHTT) - Nhằm tri ân khách hàng cũng như chào đón Đại lễ lớn 30/4-1/5, Hyundai Lê Văn Lương gửi tới khách hàng chương trình khuyến mãi với những ưu đãi cực hấp dẫn cho quý khách hàng.
Kinh tế 6 ngày trước
(SHTT) - Mua bán online lên ngôi, nhiều chợ truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội không còn cảnh khách mua hàng nhộn nhịp, sầm uất như trước. Thay vào đó, nhiều gian hàng đã đóng cửa, những tiểu thương còn lại cố gắng “gồng lỗ” để duy trì buôn bán dù ế ẩm.
Kinh tế 1 tuần trước
(SHTT) - Tại buổi tọa đàm "Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế 2024" do Vụ Thị trường châu Âu - Mỹ (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 12/4, ở TP HCM, Tổng giám đốc Công ty TNHH AEON Topvalu Việt Nam chia sẻ Chuối tươi hàng Việt phủ 100% tại chuỗi siêu thị AEON Hong Kong.
Kinh tế 1 tuần trước
(SHTT) - Quý I/2024 hoạt động thương mại, dịch vụ (TMDV) trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi động, hàng hóa dồi dào, đa dạng... Các doanh nghiệp, nhà phân phối đã tổ chức đa dạng các giải pháp kích cầu thông qua các hội chợ, triển lãm, khuyến mại để tăng sức mua bán.