SO HUU TRI TUE
Thứ ba, 26/03/2024
  • Click để copy

 Đầu xuân đi lễ hội Đình Đền Chùa Cầu Muối

14:00, 05/02/2019
(SHTT) - Như một lời hẹn ước hàng năm cứ vào mùng 4 tết âm lịch lễ hội đình, đền, chùa Cầu Muối, Phú Bình được tổ chức thu hút hàng vạn du khách thập phương về trảy hội. Tuy nhiên, từ mùng 1 mùng 2 Tết lượng du khách về Hội đã rất đông.

Từ trung tâm thành phố Thái Nguyên xuôi theo Quốc lộ 37 khoảng 25km, đến trung tâm huyện Phú Bình, rẽ trái theo đường liên huyện, qua UBND xã Tân Thành 5km vào làng Cầu Muối, du khách sẽ tới cụm di tích lịch sử, văn hóa Đình - Đền - Chùa Cầu Muối. Quần thể này gồm một ngôi đình, một ngôi chùa, cùng hai ngôi đền Thượng và đền Công Đồng nằm dựa lưng vào núi, không gian thoáng đãng và cảnh vật hữu tình.

Đình Cầu Muối

Đình Cầu Muối thờ Thành Hoàng làng là Cao Sơn Quý Minh Đại Vương (tức Dương Tự Minh) một tướng tài dưới thời nhà Lý; ông có công lớn đối với vùng đất Thái Nguyên. Sau khi mất, Dương Tự Minh được nhiều triều đại phong kiến Việt Nam sắc phong là “Thượng Đẳng Thần”. Dọc theo dải sông Cầu từ Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang…, nhân dân lập đền, miếu, đình để thờ cúng và tôn ông là Thành Hoàng Làng.

Đình Cầu Muối không chỉ là nơi thờ Thành Hoàng Làng mà còn là trung tâm văn hóa, là nơi sinh hoạt, hội họp của làng. Chính vì vậy, kiến trúc của Đình được xây dựng với Tiền đình và Hậu cung. Tiền đình là nơi họp bàn các công việc quan trọng, là trung tâm sinh hoạt văn hóa chính trị của làng. Hậu cung đình gồm 2 gian dài 6m, rộng 4,5m; bộ khung bằng gỗ Lim; mái lợp ngói Đáp Cầu; tường xây 3 phía theo kiểu “tường hồi bít đốc”. Nơi thờ Dương Tự Minh nằm ở gian thứ 2 trong hậu cung, lùi về phía sau hàng cột cái trong và nâng cao trên một cái gác lửng trang trọng mà không đóng kín cách biệt.

Chùa Cầu Muối thờ Phật

Chùa Cầu Muối quay về hướng Nam. Sự bài trí tượng thờ như thu lại toàn bộ Tam Bảo; được bài trí theo giáo lý của đạo Phật. Các lớp tượng bày từ ngoài vào trong; bố trí từ thấp lên cao; gợi không khí tĩnh lặng; linh thiêng. Chùa Cầu Muối tọa lạc trên một đồi thoai thoải, trong khung cảnh thiên nhiên đẹp, xung quanh có đồng ruộng, đồi cây tươi tốt, thoáng mát, với khuôn viên sân chùa rộng rãi. Chùa Cầu Muối vừa hòa đồng trong cảnh quan của làng quê bình dị êm ả vừa kết tinh khẳng định bản sắc riêng độc đáo như biểu hiện một sức mạnh thiên nhiên vùng “địa linh hội tụ long mạch” với sự huyền diệu mà con người hoài niệm, khát vọng. Chùa có tên chữ là “Linh Sơn Tự”. Ở Chùa Cầu Muối hiện nay còn lưu giữ được cây hương đá tứ diện Linh Sơn Tự được lập vào  năm  Hoàng  triều  Vĩnh Thịnh 14 (1719).

Đền Công Đồng thờ Mẫu Liễu Hạnh

Cách Đình, Chùa Cầu Muối 150m về phía Bắc là đền Công Đồng. Đền nằm trên một quả đồi cao hình bán nguyệt có độ cao trung bình so với mặt bằng xung quanh khoảng trên 50m. Đền kiến trúc theo kiểu chữ Đinh (J) gồm 3 gian tiền tế và một gian hậu cung. Trước cửa Đền Công Đồng là một khoảng sân rộng phía trước dựng một án hương thờ Mẫu Bán Thiên Công Chúa. Hai bên lập am thờ Quan Sơn Thần (phíatrái) và Mẫu mẹ (phía phải). Tòa tiền tế ba gian dài 9m, rộng 4m, diện tích 36m2 . Hậu cung dài 5m, rộng 4m, diên tích 20m2. Chính giữa trên hương án thờ Mẫu Liễu Hạnh. Bên phải thờ Tam tòa Thánh Mẫu: tượng Mẫu Thoải Cung, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thượng Thiên và Tam Phủ Công Đồng. Trên hương án trang trí hình rồng chầu mặt nguyệt.

Đền Thượng thờ Mẫu Thượng Ngàn

Cách Đền Công Đồng 300m về phía Tây Bắc là Đền Thượng. Đền tọa lạc trên một quả đồi cao chừng trên 100m so với mặt bằng xung quanh, trông xa như hình một con voi phủ phục. Kiến trúc Đền Thượng theo kiểu chữ Đinh (J) (nhân dân thường gọi là chuôi vồ). Đền được tôn tạo lại năm 1999. Mái Đền lợp ngói, tường hồi bít đốc. Tiền bái ba gian dài 7m, rộng 4m, diện tích 28. Hậu cung dài 5m, rộng 3m, diện tích 15m2. Đền Thượng thờ Mẫu Thượng Ngàn.

Đình, đền, chùa Cầu Muối được khởi dựng từ thời Hậu Lê. Nơi đây không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng văn hoá của nhân dân trong làng mà còn là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đến nay, Cụm di tích này còn lưu giữ được nhiều hiện vật gốc có giá trị nghệ thuật và niên đại cổ xưa như: Chiêng núm đồng, chuông nhí đồng, giá văn tế, nhang án, ngai thờ, cối đá, 5 bát hương gốm cổ, 23 pho tượng và cây hương đá được lập năm 1719…

Trong một lần đến thăm cụm di tích đình đền chùa Cầu Muối, Giáo sư sử học Lê Văn Lan đánh giá cao giá trị lịch sử của cụm di tích này. Giải thích về mối tương quan giữa câu nói của người xưa với tên gọi cụm di tích, Giáo sư sử học Lê Văn Lan cho rằng: Câu nói “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”, xét về cú pháp, thi pháp, văn phạm thuộc văn hóa Việt thường áp dụng nhiều với người miền xuôi nhưng câu nói lại nhập vào cảnh quan miền núi nơi đây. Điều đó thể hiện sự thống nhất giữa văn hóa tâm linh cảnh quan, kiến trúc của cụm di tích với văn chương ngôn từ của người miền xuôi với miền ngược có sự thống nhất hài hòa và chặt chẽ.

Với những giá trị lịch sử đó, năm 2005, Cụm di tích Đình, đền, chùa Cầu muối được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Lễ hội Đình, đền, chùa Cầu Muối là lễ hội truyền thống có quy mô lớn nhất của huyện Phú Bình dịp đầu xuân năm mới. Theo kế hoạch, Lễ hội Đình đền chùa Cầu Muối năm nay sẽ được tổ chức khai hội ngày 8/2/2019 (Tức ngày mùng 4 tháng Giêng năm Kỷ Hợi) với 2 nội dung là phần Lễ và phần Hội. Tại đây, nhiều tiết mục văn nghệ, múa hát, múa lân đã đem lại không khí tưng bừng, phấn khởi của đầu Xuân năm mới, cùng với các nghi lễ dâng hương, thỉnh chuông cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, đời sống người dân no ấm, an bình. Để Lễ hội diễn ra an toàn, huyện Phú Bình đặc biệt quan tâm đến công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo đó, Huyện đã giao nhiệm vụ cho lực lượng Công an, Ban Chỉ huy Quân sự huyện, UBND xã Tân Thành xây dựng phương án và trực tiếp đảm bảo an ninh trật tự tại Lễ hội. Huyện cũng giao Phòng Y tế là đơn vị chủ trì, phối hợp với Đội Quản lý thị trường, UBND xã Tân Thành kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm và vệ sinh khu vực lễ hội; phối hợp với Trung tâm Y tế huyện chỉ đạo các Trạm Y tế dọc tuyến đường vào lễ hội,  chuẩn bị đủ cơ số thuốc, các phương tiện sơ cứu khi có tình huống tai nạn xảy ra…

Với bề dày giá trị lịch sử, Cụm di tích Đình đền, chùa Cầu Muối luôn là điểm đến của du khách thập phương. Đồng thời, đây cũng là nơi giáo dục truyền thống văn hóa của dân tộc đối với người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Một mùa xuân nữa lại về với quê hương Phú Bình, cùng với các di tích lễ hội khác trên địa bàn huyện, Cụm di tích Đình đền chùa Cầu Muối sẽ là địa chỉ cho du khách dừng chân làm lễ, dâng hương, cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa, nhà nhà êm ấm hạnh phúc.

cau muoi

 

cau muoi 1

Trong mâm lễ dâng tại lễ hội Đình đền chùa Cầu Muối xã Tân Thành (Phú Bình) không thể thiếu được hai thứ là muối và gạo 

cau muoi 2

Lễ hội Đình Đền Chùa Cầu Muối ngày càng được mở rộng quy mô tổ chức thu hút đông đảo người dân tham gia 

 Thanh Hà

Tin khác

Khoa học Công nghệ 17 giờ trước
(SHTT) - TS.BS Nguyễn Thị Phương Thảo thuộc Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ Gen Vinmec đã được bầu vào Viện Hàn lâm Khoa học trẻ toàn cầu nhờ vào những cống hiến và sức ảnh hưởng trong lĩnh vực nghiên cứu.
Khoa học Công nghệ 3 ngày trước
(SHTT) - Bộ Khoa học và Công nghệ mới đây đã ban hành Quyết định 405/QĐ-BKHCN công bố thủ tục hành chính mới ban hành thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Khoa học Công nghệ 3 ngày trước
(SHTT) - Cuộc thi Sáng tạo Robot châu Á - Thái Bình Dương (ABU Robocon) năm nay sẽ được tổ chức tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh từ ngày 23/8 đến 27/8/2024. Chủ đề thi của ABU Robocon 2024 mang tên "Ngày mùa", lấy ý tưởng từ việc canh tác lúa trên các thửa ruộng bậc thang.
Khoa học Công nghệ 3 ngày trước
(SHTT) - Ngày 21/3, Microsoft đã tiết lộ Surface Pro 10 và Surface Laptop 6 có phím Copilot AI được thiết kế riêng trên bàn phím giúp truy cập nhanh vào chatbot.
Đời sống sáng tạo 5 ngày trước
Nghiên cứu của Phạm Minh Đức đã khiến các nhà toán học cùng lĩnh phải chú ý. Đó là một bài nghiên cứu "đẳng cấp Oxbridge".