SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 20/04/2024
  • Click để copy

KBC báo lỗ cao nhất trong vòng 9 năm nhưng cổ phiếu vẫn tăng trần, tài chính biến động

07:50, 28/10/2021
(SHTT) - Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (HOSE: KBC) báo lỗ ròng hơn 68 tỷ đồng trong quý 3/2021, song giá cổ phiếu vẫn tăng trần. Đáng lưu ý, dòng tiền hoạt động kinh doanh và đầu tư âm dẫn tới KBC phải tăng cường vay nợ, chi phí lãi vay tăng đột biến.

KBC báo lỗ cao nhất trong 9 năm, giá cổ phiếu vẫn tăng trần

Trong quý 3/2021, doanh thu thuần của KBC tăng 61% so với cùng kỳ, đạt gần 325 tỷ đồng. Doanh thu tăng chủ yếu đến từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản và cho thuê kho, nhà xưởng và văn phòng. Tuy nhiên, do biên lãi gộp giảm từ 57% xuống còn 49%, lợi nhuận gộp của Công ty chỉ tăng 38%, lên gần 159 tỷ đồng.

Ngoài hoạt động kinh doanh bất động sản, doanh thu hoạt động tài chính của KBC cũng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh khi ghi nhận gần 37 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần cùng kỳ, chủ yếu đến từ lãi tiền gửi.

Bên cạnh đó, các chi phí trong quý 3/2021 tăng đáng kể. Cụ thể, chi phí tài chính của KBC ghi nhận gần 178 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ. Trong đó, chi phí lãi vay chiếm gần 155 tỷ đồng,tăng gấp 2,4 lần. Ngoài ra, chi phí bán hàng phát sinh gần 14 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2020 không ghi nhận khoản này.

Với việc chi phí tài chính tăng đột biến, KBC báo lỗ ròng hơn 68 tỷ đồng trong quý 3 (cùng kỳ lỗ gần 21 tỷ đồng). Đây là quý báo lỗ cao nhất của KBC kể từ quý 4/2012.

Tuy nhiên, nhờ kết quả khả quan trong 6 tháng đầu năm, đặc biệt là quý 1 nên tính chung 9 tháng đầu năm 2021, KBC vẫn đạt gần 3.077 tỷ đồng doanh thu thuần và 572 tỷ đồng lãi ròng, lần lượt gấp 3,3 lần và 19 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, tuy mức lợi nhuận tăng mạnh so với cùng kỳ nhưng so với kế hoạch lãi sau thuế 2.000 tỷ đồng trong năm 2021, KBC chỉ mới thực hiện được gần 37% mục tiêu đề ra, phần lớn do ảnh hưởng từ kết quả thua lỗ của quý 3.

Trên thị trường chứng khoán, tuy công bố kết quả kinh doanh tại KBC ảm đạm trong 9 tháng qua, song kết phiên giao dịch ngày 27/10, thị giá cổ phiếu KBC tăng trần lên mức 48.000 đồng/cp. Như vậy, sau 2 tháng, cổ phiếu KBC tăng 22%.

Giá cổ phiếu KBC vài tháng trở lại đây.

Dòng tiền hoạt động kinh doanh âm khiến KBC tăng cường vay nợ, chi phí lãi tăng vọt 

Trong 9 tháng đầu năm 2021, dòng tiền hoạt động kinh doanh của KBC âm hơn 83 tỷ đồng (cùng kỳ 2020 âm hơn 111,4 tỷ đồng). Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới dòng tiền hoạt động kinh doanh âm là do các khoản phải thu ngắn hạn tăng 46%, lên gần 9.695 tỷ đồng. Trong đó khoản mục phải thu về cho vay ngắn hạn tăng từ 925 tỷ đồng lên gần 2.812 tỷ đồng chỉ sau 9 tháng.

Dòng tiền hoạt động kinh doanh âm luôn là chỉ báo xấu đối với sức khỏe tài chính của doanh nghiệp. Đồng thời, dòng tiền thuần hoạt động đầu tư trong kỳ cũng âm hơn 2.628 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2020 dương hơn 56 tỷ đồng. Tổng cộng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và đầu tư 9 tháng đầu năm 2021 âm 2.712 tỷ đồng.

Cả dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và đầu tư đều bị âm mạnh dẫn tới KBC phải tăng cường vay nợ.

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất quý 3/2021 tại KBC.

Do tăng cường hoạt động vay nợ, cả số dư nợ vay ngắn hạn và nợ vay dài hạn của KBC tại thời điểm ngày 30/9/2021 đều tăng so với thời điểm đầu năm.

Cụ thể, tính đến cuối quý 3, KBC ghi nhận gần 14.954 tỷ đồng nợ phải trả, trong đó dư nợ vay chiếm một nửa với 7.375 tỷ đồng, tương đương tăng 28% so với đầu năm (riêng dư nợ vay dài hạn tăng thêm hơn 1.000 tỷ so với đầu năm, chủ yếu là nợ vay trái phiếu với lãi suất dao động 9,38-11%/năm).

Nguồn: BCTC hợp nhất quý 3/2021 tại KBC.

Theo thuyết minh BCTC, tại quý 2/2021, KBC phát sinh khoản vay với hai bên có liên quan là Công ty TNHH Saigontel Long An (công ty liên kết) và ông Đặng Thành Tâm – Chủ tịch HĐQT Công ty với số tiền vay lần lượt là 112,5 tỷ đồng và gần 17 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối tháng 9/2021, khoản vay của ông Đặng Thành Tâm đã không còn được ghi nhận nhưng khoản vay đối với công ty liên kết vẫn được giữ nguyên.

Nợ vay tại KBC tăng dẫn tới chi phí lãi vay trong 9 tháng đầu năm tăng mạnh lên gần 362 tỷ đồng, tăng 143% so với cùng kỳ năm 2020. Ngoài chi phí lãi vay, các chi phí khác liên quan đến hoạt động tài chính cũng tăng dẫn tới chi phí tài chính trong kỳ của KBC ghi nhận hơn 403 tỷ đồng, tăng 132% so với cùng kỳ năm 2020.

Với quy mô tổng tài sản đã vượt mốc 30.000 tỷ đồng, tăng 27% so với đầu năm và vốn chủ sở hữu gần 15.246 tỷ đồng, các dấu hiệu trên chưa phải là vấn đề nghiêm trọng đối với KBC nếu cải thiện tình hình dòng tiền, sức khỏe tài chính.

Hà Phương

vnfinance.vn

Tin khác

Thương hiệu 1 giờ trước
myBuddy, thương hiệu mỹ phẩm được sản xuất dành riêng cho nam đã ra đời với phương châm đem đến một thị trường mỹ phẩm chất lượng. myBuddy mang tới các dòng sản phẩm chăm sóc vẻ ngoài cuốn hút và tự tin dành cho nam giới. Thương hiệu cũng từng bước khẳng định vị thế nổi bật trong ngành làm đẹp tại Việt Nam.
Thương hiệu 3 giờ trước
(SHTT) - Tại “Diễn đàn doanh nghiệp Hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tham gia chuỗi cung ứng thông qua các công cụ phát triển bền vững” vừa được tổ chức ngày 17/04/2024 tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã tham gia đồng hành và chia sẻ nhiều kinh nghiệm, giải pháp.
Thương hiệu 17 giờ trước
(SHTT) - Dịch vụ Thu hộ qua QR định danh của BIDV đã chính thức có mặt trên nền tảng ezCloud - phần mềm Quản lý khách sạn số 1 tại Việt Nam. Nhân dịp này, BIDV và ezCloud dành tặng khách hàng sử dụng ezCloudHotel, ezFolio, ezTicket và ezGolf chương trình khuyến mãi với các ưu đãi lớn nhất từ trước tới nay.
Thương hiệu 1 ngày trước
(SHTT) - Mảng xuất khẩu của Vinamilk năm 2023 tăng về cả doanh thu và số thị trường, kết quả quí I/2024 dự báo tích cực. Bên cạnh sự đóng góp lớn từ các thị trường chủ lực truyền thống, nhiều thị trường mới đã được khai phá.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Vừa qua, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy lô sản phẩm Bath Gel – MM Professional (chai 35ml) do không đảm bảo các yêu cầu về chất lượng theo quy định.