SO HUU TRI TUE
Thứ hai, 25/03/2024
  • Click để copy

Công ty Đèo Cả toan tính gì khi liên tục 'doạ' trả lại Dự án hầm Hải Vân?

15:15, 30/10/2018
(SHTT) - Chỉ trong vòng vẻn vẹn 4 tháng (từ tháng 6-10/2018), CĐT Dự án Hầm Hải Vân là Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả đã "dọa" trả lại dự án tới 2 lần. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến hành động này và Công ty Đèo cả đang toan tính gì khi liên tục "kêu khổ" tại dự án này?

 Đơn vị vận hành Hầm Hải Vân hết kinh phí trả tiền điện?

Mới đây, Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (thuộc Tổng công ty Điện lực Miền Trung) đã có văn bản gửi Bộ GTVT về việc thanh toán tiền điện của Công ty Quản lý và khai thác hầm đường bộ Hải Vân (HAMADECO).

Theo đó, Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (PC Đà Nẵng) cho biết: trong suốt thời gian qua, PC Đà Nẵng cung cấp điện đảm bảo an toàn, liên tục cho hoạt động vận hành của hầm đường bộ Hải Vân. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại Công ty HAMADECO chưa thanh toán tiền điện cho Điện lực Liên Chiểu (trực thuộc PC Đà Nẵng) dù Điện lực Liên Chiểu đã nhiều lần gửi văn bản đến HAMADECO. 

ham1

 Dự án hầm Hải Vân. 

Theo PC Đà Nẵng, số tiền mà HAMADECO đang nợ là hơn 2,6 tỷ đồng. Trong đó, kỳ 3 tháng 9/2018 thiếu hơn 694 triệu, kỳ 1 tháng 10/2018 thiếu hơn 741 triệu đồng, kỳ 2 tháng 10/2018 thiếu hơn 536 triệu đồng, kỳ 3 tháng 10/2018 thiếu hơn 677 tỷ đồng.

Ngoài ra, tiền điện dự kiến phát sinh từ nay đến 25/12/2018 khoảng hơn 3,9 tỷ đồng.

Nguyên nhân việc HAMADECO thiếu nợ tiền điện của PC Đà Nẵng theo tìm hiểu là do viêc chậm thanh toán chi phí quản lý vận hành và bảo dưỡng hầm Hải Vân 1 của Công ty CP Đầu tư Đèo Cả, dẫn đến HAMADECO chậm chi trả cho bên điện lực.

Một điều đáng lưu ý là trả lời trước báo giới mới đây, ông Nguyễn Xuân Hưởng - Tổng Giám đốc Hamadeco cho biết, Hamadeco được chuyển về Công ty CP Đầu tư Đèo Cả từ tháng 12/2015 nên chi phí vận hành, quản lý, bảo dưỡng hầm Hải Vân 1 do công ty này chi trả.

Trong năm 2018, công ty CP Đầu tư Đèo Cả mới thanh toán cho Hamadeco chi phí vận hành hầm đến quý I/2018. Việc chậm trễ thanh toán này khiến Hamadeco không có nguồn để thanh toán tiền điện và bị Công ty Điện lực xem xét đến việc cắt điện đối với hầm Hải Vân.

Về phần mình, ông Lưu Xuân Thủy, Phó Tổng Giám đốc công ty Đèo Cả đưa ra lý do rằng, trong bối cảnh ngân sách khó khăn, bộ GTVT đã yêu cầu công ty Đèo Cả triển khai thực hiện việc trùng tu, nâng cấp để được nghiệm thu về PCCC đồng thời tiếp nhận và ứng kinh phí để thực hiện công tác quản lý vận hành hầm Hải Vân từ tháng 11/2015. 

 Đến nay công ty đã chi 900 tỷ đồng để thực hiện hoàn thành việc nâng cấp và được bộ Công an thẩm tra chấp thuận nghiệm thu. Bên cạnh đó, từ tháng 11/2015 đến nay, công ty cũng chi hơn 300 tỷ đồng để thực hiện công tác quản lý vận hành hầm Hải Vân.

Theo ông Thủy, đúng ra theo phương án tài chính được bộ GTVT phê duyệt vào năm 2016 thì công ty Đèo Cả được thu phí tại trạm thu phí Nam Hải Vân từ tháng 1/2017 để hoàn vốn cho việc trùng tu vận hành hầm Hải Vân. Ngoài ra, vào tháng 1/2016, Thủ tướng Chính phủ cũng chấp thuận về nguyên tắc việc bố trí trạm Nam Hải Vân, La Sơn - Túy Loan để hoàn vốn cho dự án hầm Đèo Cả.

“Tuy nhiên, việc thu phí tại trạm thu phí Nam Hải Vân và trạm La Sơn - Túy Loan đều không thực hiện được. Những quyết định này đã làm giảm nguồn thu rất lớn, gây phá vỡ nghiêm trọng phương án hoàn vốn dự án. Với tình trạng nguồn tiền ứng ra từ vốn chủ sở hữu hiện nay của doanh nghiệp quá lớn và kéo dài khó khăn nhưng không được quan tâm giải quyết công ty Đèo Cả sẽ đối diện với việc không thể tiếp tục chi trả các chi phí quản lý vận hành các hầm Đèo Cả, Hải Vân và sẽ dẫn đến nguy cơ phải gây gián đoạn hoạt động của các hầm trong 1-2 tháng tới”, ông Thủy cho biết.

Vị Phó Tổng Giám đốc công ty Đèo Cả cũng khẳng định, đơn vị này đã kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được bộ GTVT hướng dẫn giải quyết. Vì vậy, những cảnh báo về nguy cơ gián đoạn hoạt động của các hầm Đèo Cả, hầm Hải Vân là có cơ sở vì công ty này không thể đảm bảo được kinh phí vận hành.

Muốn được đặt trạm thu phí?

Dù ngành điện khẳng định không thể cắt điện hầm Hải Vân vì đây là phụ tải đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng đến huyết mạch giao thông của cả nước nên họ không thể thực hiện ngừng cấp điện theo quy định của Luật Điện lực. Tuy nhiên, dường như Chủ đầu tư Đèo cả đang có những "toan tính" riêng cho mình.

ham3

 Điện lực Đà Nẵng khẳng định không thể cắt điện hầm Hải Vân vì đây là phụ tải đặc biệt quan trọng.

Sáng 29/10, trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Ngọc Lâm, Phó Chánh Văn phòng Công ty Điện lực Đà Nẵng khẳng định, không có chuyện Công ty Điện lực Đà Nẵng sẽ cắt điện hầm Hải Vân vì đơn vị vận hành (Hamadeco) thiếu tiền điện.

Điện lực Đà Nẵng khẳng định không thể cắt điện hầm Hải Vân vì đây là phụ tải đặc biệt quan trọng.

Theo ông Lâm, vừa qua Giám đốc Công ty Điện lực Đà Nẵng đã có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị đơn vị này chỉ đạo các đơn vị liên quan hỗ trợ cấp kinh phí để thanh toán tiền điện đang thiếu. Tuy nhiên, không có chuyện hầm Hải Vân 1 có nguy cơ đóng cửa vì thiếu tiền điện. Việc Điện lực Đà Nẵng gửi văn bản đòi nợ là việc phải làm. Kể cả những tháng sau nữa Hamadeco có thiếu tiền điện thì cũng không thể cắt trừ khi có ý kiến của Chính phủ.

Ở khía cạnh khác, theo văn bản của Công ty CP Đầu tư Đèo Cả, việc thiếu tiền điện, tiền quản lý, bão dưỡng các hầm là do bị hụt thu ở trạm Bắc Hải Vân và mức thu phí qua hầm Đèo Cả quá thấp dẫn đến thâm hụt nguồn thu.

Trước mắt, Công ty CP Đầu tư Đèo Cả cho biết, đơn vị đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT bố trí kinh phí để đảm bảo thực hiện công tác quản lý vận hành hầm Hải Vân 1.

Thông điệp của Công ty CP Đầu tư Đèo Cả là khá căng thẳng. Theo đó, công ty này cho rằng, trường hợp Bộ không đảm bảo được nguồn kinh phí, để xảy ra việc cắt điện, công nhân vận hành nghỉ làm, các thiết bị an toàn trong hầm dừng hoạt động… dẫn tới gián đoạn và không đảm bảo an toàn cho việc lưu thông qua hầm Hải Vân 1 từ thời điểm sau ngày 5/11/2018 trở đi, thì đó là trách nhiệm thuộc về Bộ GTVT.

“Bộ GTVT vi phạm hợp đồng dự án, kéo theo việc vi phạm hợp đồng tín dụng giữa nhà đầu tư với ngân hàng tài trợ vốn, do đó buộc Nhà đầu tư sẽ phải xem xét đến phương án báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ GTVT tiếp nhận lại dự án Đèo Cả, Hải Vân để vận hành khai thác”, trích văn bản của công ty Đèo Cả.

Được biết đây là lần thứ 2 trong năm nay Chủ đầu tư doạ trả lại dự án hầm Hải Vân. Trước đó, tại cuộc họp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) hồi tháng 6/2018, ông Lưu Xuân Thủy đã đề nghị trả lại việc quản lý, vận hành hầm Hải Vân cho nhà nước vì lý do không được đặt trạm thu phí.

Khi đó ông Thủy cho rằng, CĐT đã hoàn thành giai đoạn 1 hơn 1 năm với giá trị hơn 1.200 tỷ, đã được Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng nghiệm thu và Kiểm toán nhà nước kiểm toán. Thi công được 50% hầm Hải Vân 2 và đã ứng gần 300 tỷ cho công tác quản lý, vận hành hầm Hải Vân 1 từ 2016 đến nay, nhưng chưa được thu phí để thu hồi vốn dẫn đến rủi ro quá lớn cho doanh nghiệp dự án khi đã ứng trước chi phí quá lớn nhưng không được đảm bảo hoàn trả như Hợp đồng ban đầu dẫn đến rủi ro quá lớn cho doanh nghiệp.

Thu Hiền

Tin khác

Pháp luật 16 giờ trước
(SHTT) - Lợi dụng dịp cao điểm quyết toán thuế, nhiều đối tượng lừa đảo đã sử dụng hình thức giả mạo cán bộ thuế , cơ quan thuế để thực hiện hành vi chiếm đoạn tài sản.
Pháp luật 3 ngày trước
(SHTT) - Công an thành phố Hà Nội mới đây đã phát đi thông tin cảnh báo về hình thức lừa đảo tham gia đầu tư tiền ảo.
Pháp luật 5 ngày trước
(SHTT) - Bộ Công Thương đã xây dựng và hoàn thiện Dự thảo Tờ trình, Dự thảo Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả...
Pháp luật 5 ngày trước
(SHTT) - Lợi dụng tâm lý tiếc của của nạn nhân, tội phạm mạng thời gian gần đây đã tạo những nội dung giả mạo Cục An ninh mạng hoặc cơ quan chức năng hỗ trợ người dân lấy lại tiền bị lừa đảo trực tuyến.
Pháp luật 6 ngày trước
(SHTT) - Theo thông tin từ Bloomberg, một thẩm phán tại San Francisco đã đưa ra phán quyết Apple phải đối diện với một vụ kiện tố cáo công ty về sự cẩu thả trong việc đối phó với nguy cơ theo dõi tiềm ẩn do các thiết bị AirTag gây ra.