SO HUU TRI TUE
Thứ tư, 24/04/2024
  • Click để copy

Chế độ dinh dưỡng tối ưu cho trẻ trong thời điểm giao mùa

10:40, 19/02/2019
(SHTT) - Thời điểm giao mùa chính là khoảng thời gian thuận lợi cho các loại vi khuẩn và dịch bệnh phát triển mạnh. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần áp dụng chế độ dinh dưỡng tối ưu để giúp trẻ luôn khỏe mạnh và tăng sức đề kháng.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Thị Thúy Hòa - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Ứng dụng, thời tiết thay đổi đột ngột khiến bé dễ mắc phải các bệnh về tiêu hóa như đầy bụng, khó tiêu, nôn ói, đi cầu phân sống, tiêu chảy… Nguyên nhân thường do chế độ ăn uống thiếu phù hợp, thực phẩm không đảm bảo an toàn, thức ăn ôi thiu, bị lên men hoặc nhiễm khuẩn làm mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột.

Khi bụng trẻ thường xuyên trục trặc, khả năng tiêu hóa và hấp thu sẽ giảm đi. Tình trạng này nếu kéo dài liên tục khiến trẻ biếng ăn, ảnh hưởng thể chất và trí tuệ do thiếu hụt dinh dưỡng. Dựa trên nghiên cứu và điều trị dinh dưỡng cho hàng nghìn trẻ em, các chuyên gia của Viện Dinh dưỡng Ứng dụng lưu ý, mẹ cần lập chế độ ăn uống khoa học cho bé trong giai đoạn chuyển mùa hiện nay. Dưới đây là các tư vấn mẹ nên tham khảo.

Thực phẩm giàu đạm

Chế độ dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ các nhóm dưỡng chất (tinh bột, đạm, chất béo, vitamin, khoáng chất và nước) giúp bé tiêu hóa và hấp thu tốt nhất. Thực phẩm giàu đạm có tác dụng kích thích sản sinh nhiệt cao hơn các thức ăn khác, vì vậy có khả năng giữ ấm tốt trong thời tiết lạnh. Mẹ nên bổ sung đạm cho bé từ sữa, đậu nành, thịt, cá, tôm, cua, trứng và gan.

Bổ sung đa dạng các loại thực phẩm giúp bé tăng cường sức đề kháng trong thời điểm giao mùa (Ảnh minh họa)

Thực phẩm giàu vitamin A

Ngoài đạm, vitamin cũng giúp trẻ tăng sức đề kháng, chống lại bệnh cúm và cảm lạnh khi trời trở lạnh. Bác sĩ Hòa cho biết, vitamin A có tác dụng ổn định màng tế bào da trên cơ thể, tăng cường chức năng hệ thống miễn dịch. Khi cơ thể thiếu vitamin A, khả năng chống lại virus của tế bào giảm, chức năng bảo vệ niêm mạc đường hô hấp cũng theo đó yếu đi. Một khi bị virus và vi khuẩn tấn công, trẻ rất dễ viêm nhiễm đường hô hấp.

Do đó, mẹ nên bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin như trứng, gan, sữa, rau lá sẫm màu (rau ngót, mùng tơi, muống, cải ngọt (bó xôi), bí đỏ, cà rốt...). Trái cây màu vàng hoặc da cam như xoài, đu đủ, chuối, cam, hồng chín… cũng chứa nhiều vitamin A và tiền vitamin A.

Thực phẩm giàu vitamin C

Vitamin C có công dụng tăng cường thể lực và phòng chống virus lây nhiễm; hỗ trợ sự hình thành kháng thể, tăng cường sức đề kháng toàn diện cho cơ thể. Lúc trẻ cảm hoặc sốt, nồng độ vitamin C trong tế bào bạch huyết sẽ giảm xuống mức thấp. Mẹ nên chú ý bổ sung thêm các loại đồ ăn thức uống có hàm lượng vitamin C cao cho bé như cam, chuối, xoài, quýt, bưởi, rau xanh…

Ngoài ra, mẹ nên chế biến thêm hành, tỏi và gừng vào các món ăn, để tăng sức đề kháng khi trẻ có triệu chứng hắt hơi, sổ mũi. Tỏi tây có chứa nhiều vitamin B và C, khoáng chất (sắt, canxi, phốt pho, magie, natri, kali…) bổ thần kinh, giúp tránh cảm. Hành tây có tác dụng lợi tiểu, dễ tiêu hóa, trị ho, an thần nhẹ, bồi bổ cơ thể. Củ gừng tươi có khả năng đánh bại nhiều loại cảm cúm.

Thực phẩm dễ tiêu hóa

Khi bụng bé nhaỵ cảm, mẹ nên cho bé ăn các loại thực phẩm dễ tiêu hóa (cháo, bột...) hoặc sản phẩm dinh dưỡng công thức phù hợp. Nếu tiêu chảy, chỉ cho bé ăn dầu thực vật, hạn chế mỡ động vật. Đồng thời, cần cho bé ăn uống hợp vệ sinh, đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, bảo quản kỹ lưỡng, hạn chế lưu trữ đồ ăn nhiều ngày.

Thời tiết thay đổi thất thường, mẹ tránh cho bé chơi ngoài trời nắng hay mưa. Việc tập thể dục đều đặn, giữ vệ sinh thân thể, rửa tay thường xuyên, chăm sóc răng miệng… cũng giúp bé phòng tránh nhiều tác nhân gây bệnh.

Uống đủ nước

Uống đủ nước mỗi ngày là một việc quan trọng để bảo vệ sức khỏe của bé trong thời gian này. Nước có tác dụng loại bỏ các chất dư thừa cũng như độc tố ra khỏi cơ thể. Ngoài ra, việc uống nước đều đặn mỗi ngày sẽ giúp cơ thể tăng cường trao đổi chất và giúp tim hoạt động bơm máu hiệu quả, đồng thời vận chuyển oxy trong máu và các chất dinh dưỡng thiết yếu khác cho các tế bào. Bên cạnh đó, nước còn giúp hòa tan chất thải và chuyển xuống đường tiêu hóa dễ dàng hơn giúp bé tránh được tình trạng táo bón gây hại cho sức khỏe.

Việc uống bao nhiêu nước một ngày còn tùy thuộc vào độ tuổi cũng như nhu cầu của mỗi bé. Đối với các bé dưới 6 tháng tuổi thì chỉ cần dùng sữa mẹ hoặc pha sữa bột theo đúng tỉ lệ là đủ. Tiếp theo, các bé từ 6 – 12 tháng thì các phụ huynh cần lưu ý cho bé uống khoảng từ 200 – 300ml nước mỗi ngày.

Liên Hương

Tin khác

Khoa học Công nghệ 1 giờ trước
(SHTT) - Tối 23/4, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) tổ chức Lễ tổng kết và trao giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 17 (2022 - 2023).
Khoa học Công nghệ 17 giờ trước
(SHTT) - Xây dựng các cánh đồng rau an toàn là giải pháp quan trọng để đảm bảo sức khỏe lâu dài cho người dân. Bởi vậy, trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân phát triển những cánh đồng rau an toàn.
Khoa học Công nghệ 22 giờ trước
(SHTT) - Trong bối cảnh vấn đề bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân đang trở thành đòi hỏi cấp bách, việc triển khai các chuẩn về an toàn thông tin (ATTT) sẽ giúp doanh nghiệp (DN) thiết lập các biện pháp bảo mật cần thiết để bảo vệ dữ liệu và hệ thống khỏi các mối đe dọa mạng.
Khoa học Công nghệ 1 ngày trước
(SHTT) - Chủ trì cuộc làm việc về Đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045", Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết cần xác định chiến lược ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam để đặt hàng nhiệm vụ đào tạo nhân lực, dự báo chính xác thị trường.
Khoa học Công nghệ 1 ngày trước
(SHTT) - Ngay sau khi phát động, các nhà trường trong tỉnh Quảng Ninh đã có sự chuẩn bị tích cực cho Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng (TTNNĐ) tỉnh lần thứ IX, năm 2024. Rất nhiều sáng kiến đang được lên ý tưởng, phát triển thành dự án cấp trường, cấp huyện.