SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 20/04/2024
  • Click để copy

Ai sẽ bảo vệ cho thương hiệu nông sản Đà Lạt?

07:09, 24/08/2018
(SHTT) - Dù chúng ta đã có Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) nhưng việc bảo hộ cho các sản phẩm vẫn còn lỏng lẻo khiến chiến lược bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt vẫn là chặng đường dài phía trước.

Nông sản Đà Lạt bị mạo danh

Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng là vùng sản xuất rau lớn nhất nước với sản lượng hơn 2 triệu tấn mỗi năm. Nhờ chất lượng vượt trội nên rau và nông sản Đà Lạt đã trở thành thương hiệu nổi tiếng và được người tiêu dùng cả nước ưa chuộng. Tuy nhiên, hiện nay nông sản Đà Lạt đang bị nông sản Trung Quốc giả danh, lấn át. Điều này không chỉ khiến người mua mất niềm tin mà người dân trồng rau củ ở Đà Lạt cũng bị thiệt thòi.

Đại diện Công ty Dream Incubator, đơn vị được Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) thuê khảo sát về nông nghiệp Đà Lạt trong 2 năm để làm cơ sở cho sự hợp tác phát triển nông nghiệp với Lâm Đồng, nhận định: Nông sản Trung Quốc đang chiếm hơn 70% thị phần đối với một số mặt hàng ôn đới - thế mạnh của Đà Lạt trước đây. Tại một số chợ truyền thống ở TP HCM, 80% khoai tây, 70% hành củ, cà rốt và bông cải xanh là hàng Trung Quốc.

Gần đây, vì lợi nhuận, nhiều chủ vựa tại các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng… ở Lâm Đồng đã ồ ạt nhập nông sản Trung Quốc với giá rất rẻ, chất lượng không được quản lý. Sau đó, bằng nhiều chiêu trò, họ đánh tráo thành nông sản Đà Lạt rồi đưa ra thị trường.

h4-hoakiepkhoaitaytqthanhkhoaitaydalat_eups

Khoai tây Trung Quốc đang được "biến" thành khoai tây Đà Lạt 

Hàng loạt nông sản Trung Quốc như bắp cải, bông cải, khoai tây, cà rốt, bí đỏ, cà chua… được nhập về và cạnh tranh với hàng trong nước. Ngay cả nhiều đặc sản của Đà Lạt như hồng, dâu tây cũng bị “đụng hàng” Trung Quốc.

Về hình thức, nông sản Đà Lạt và Trung Quốc không có sự khác biệt lớn nên người tiêu dùng khó phân biệt đâu là hàng chính hiệu, đâu là hàng giả nhãn mác.

Ngày 21-22/8, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ thuộc Công an TP.Đà Lạt đã đột xuất kiểm tra 2 cơ sở chế biến nông sản trên địa bàn Đà Lạt. Qua đó, phát hiện hàng tấn khoai tây Trung Quốc đang được 2 cơ sở này “nhuộm” đất Đà Lạt.

Cụ thể, các chủ vựa đã biến khoai tây Trung Quốc thành khoai tây Đà Lạt bằng cách rửa thật sạch, sau đó để ráo nước, trộn đất vào và để từ 2-3 ngày cho khoai thấm đất và khô. Như vậy khoai sẽ nổi bật màu lên, bằng mắt thường rất khó nhận ra đâu là khoai tây Trung Quốc, đâu là khoai tây Đà Lạt.

Đối với cà rốt, họ sẽ đào hố bỏ xuống, sau đó dùng đất của Đà Lạt phủ lên, tưới thêm nước rồi để khoảng vài ngày thì bới lên đóng theo từng túi từ 10-50 kg, tùy đơn hàng.

Loay hoay bài toán thương hiệu

Hiện nay, nông sản Trung Quốc đang ồ ạt vào Việt Nam, đặt nông sản nội địa vào thế phải cạnh tranh gay gắt. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu nông sản Đà Lạt.

Screenshot_1

 Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng

Theo thông tin được đăng tải trên báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, cho rằng nguyên nhân dẫn đến sự mạo danh là do nông sản Đà Lạt khi đưa ra thị trường chưa có nhãn mác xuất xứ. “Chúng tôi đang nghiên cứu và xây dựng một số bao bì đóng gói cụ thể cho nông sản Đà Lạt. Bằng cách này, thương hiệu khoai tây Đà Lạt sẽ được nâng lên và quy trình bảo vệ sản phẩm cũng sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn” - ông Sơn nói.

Ông Nguyễn Tri Đức, Đoàn luật sư TP HCM cũng cho biết: “Tôi cho rằng biện pháp dán nhãn mác vào bao bì để nhận diện thương hiệu nông sản Đà Lạt của các cơ quan quản lý Nhà Nước tại Đà Lạt là không khả thi. Vấn đề thương lái gian lận đã vô hình chung giết chết nhà vườn. Theo tôi, các cơ quan quản lý Nhà Nước cần có biện pháp mạnh mẽ trong việc quản lý vấn đề nông sản Trung Quốc nhập về Việt Nam. Đồng thời, cần có những hướng dẫn để người tiêu dùng biết rõ ràng đâu là hàng Trung Quốc”.

Thực tế cho thấy việc bảo vệ thương hiệu nông sản ở nước ta còn tồn tại rất nhiều bất cập. Những vụ việc như đánh mất những chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu hàng hóa nông sản không còn là câu chuyện mới nhưng làm thế nào để hạn chế tình trạng này là vấn đề không đơn giản. Đã đến lúc chúng ta cần có những nhận thức rõ ràng và bắt tay ngay vào việc xây dựng thương hiệu cho những nông sản nổi tiếng của mình.

Screenshot_3

 Ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng

Liên quan đến việc một số tiểu thương tại Chợ nông sản Đà Lạt có hành vi trộn đất đỏ vào khoai tây có xuất Trung Quốc sau đó đóng gói, dán nhãn mác khoai tây Đà Lạt, ngày 22.8 ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho rằng hành vi đánh tráo thương hiệu là vi phạm luật sở hữu trí tuệ. “Trước vấn đề nông sản Đà Lạt bị làm giả, UBND tỉnh đã có rất nhiều chỉ đạo, có nhiều biện pháp quyết liệt và đi kiểm tra thực tế để tìm ra hướng giải quyết. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các sở, ngành, địa phương…. vẫn chưa thật sự tập trung. UBND đã tiếp tục chỉ đạo các cấp bám vào luật sở hữu trí tuệ (SHTT) để ban hành quy chế quản lý chợ đầu mối nông sản Đà Lạt. Đồng thời, UBND cũng cử các cán bộ giám sát và thường xuyên thanh kiểm tra các vựa nông sản. Nếu phát hiện các xe nông sản chứa hàng nông sản Trung Quốc mượn danh Đà Lạt thì sẽ xử phạt theo quy định của pháp luật”.

Kim Dung (t/h)

Tin khác

Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) – Trải qua hơn 2 tháng phát động cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, BTC đã tìm ra được top 20 dự án xuất sắc nhất.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) – Ngày 24/11 và 25/11, vòng thi chọn Top 20 Cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đã diễn ra bằng hình thức pitching trực tuyến. Dự án Smart VieLinkit thuộc bảng dự thi Mô hình Đổi mới sáng tạo đã xuất sắc lọt vào top 20.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) - Quản trị tài sản trí tuệ tại các cơ quan đặc biệt giúp ta hiểu rõ về hơn về các quy trình, biểu mẫu, các điều khoản cần thiết trong các quy chế, quy định.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) - Cuộc thi “Giải pháp thương mại hóa sáng chế 2021” đã đi một nửa chặng đường trong hành trình tìm kiếm các phương án, cách thức áp dụng các bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích vào thực tiễn, từ đó tạo ra giá trị hữu ích cho cuộc sống và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Sở hữu trí tuệ 2 năm trước
(SHTT) - Buổi tập huấn thứ 6 trong chuỗi chương trình của Làng Sáng chế và Doanh nghiệp ĐMST phối hợp với Hội Sáng chế Việt Nam, hưởng ứng sự kiện khởi nghiệp ĐMST Quốc gia Techfest 2021 với chủ đề: “Thẩm định giá tài sản trí tuệ” được diễn ra vào lúc 8h00 sáng chủ nhật ngày 07/11/2021.